0353.380.835

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG LOGISTICS BẮC TRUNG BỘ (Phần 1- Thanh Hóa)

15/04/2021

Ban biên tập báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021 khảo sát tình hình logistics tại khu vực Bắc Trung Bộ (Phần 1)

Từ ngày 7-11 tháng 4 năm 2021, Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 do ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát lĩnh vực logistics tại khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình). Ngoài ra, trên đường vào Bắc Trung Bộ, đoàn công tác cũng đã khảo sát và làm việc tại Công ty cổ phần thực phẩm Xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình).

Phần 1: Thanh Hóa: Phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

1. Thực trạng và định hướng phát triển logistics tại tỉnh Thanh Hóa: 

Để phát triển dịch vụ logistics gắn liền với cảng Nghi Sơn, giai đoạn vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hấp dẫn; quan tâm đầu tư hệ thống đường bộ trục dọc, trục ngang, đường kết nối từ Nghi Sơn đi các trung tâm kinh tế lớn trong tỉnh, ngoài tỉnh và Cảng hàng không Thọ Xuân. Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cũng đang nghiên cứu xây dựng đường sắt dài 11 km nối Cảng Nghi Sơn với tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Thanh Hóa mới đạt khoảng 30% tổng khối lượng hàng hóa lưu thông qua địa bàn tỉnh hằng năm. Bên cạnh đó, mặc dù tại Thanh Hóa có khoảng 4.700 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến dịch vụ logistics, nhưng doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực này còn rất ít, quy mô nhỏ lẻ và thiếu liên kết.

Thanh Hóa đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những chủ trương, chính sách và giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh chóng và bền vững trong thời gian tới.

2. Khảo sát về tình hình nguồn nhân lực logistics tại Thanh Hóa và làm việc tại trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa)

 

Sáng ngày 7/4/2021, Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam đã làm việc với Khoa kinh tế quản trị kinh doanh- trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.

Trao đổi tại buổi làm việc, Tiến sĩ Lê Quang Hiếu - Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, trường đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành dịch vụ logistics cả trên đất liền, đường biển và đường hàng không. Cơ hội của ngành logistisc kéo theo nhu cầu về nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành logistics tại Thanh Hóa đang trở nên cấp thiết.  

Đề án phát triển dịch vụ Logistic trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu sẽ đưa ngành Logistics của tỉnh phát triển thành ngành dịch vụ có trình độ khá của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực logistics được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp là rất lớn và cấp thiết. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đặt ra đối với các cơ sở đào tạo giáo dục.

“Tại Thanh Hóa thì đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo chuyên ngành logistics. Tuy nhiên chúng tôi đã đưa vào giảng dạy từng phần kiến thức trong chuỗi logistics. Trường Đại học Hồng Đức đang nghiên cứu đẩy mạnh tổ chức đào tạo về logistics. Chúng tôi đã đưa giảng viên đi đào tạo, học tập, xây dựng đề án đào tạo chuyên ngành logistics” – ông Hiếu cho biết.

Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam chụp ảnh với lãnh đạo và giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, trường ĐH Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa, tháng 4/2021.

Các thành viên trong Đoàn khảo sát đã chia sẻ các kinh nghiệm về tổ chức mở chuyên ngành đào tạo và giảng dạy về logistics tại các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh và Đại học Thương mại. Theo đó, ngoài việc thực hiện các quy trình mở chuyên ngành logistics theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo, trường Đại học Hồng Đức cũng có thể nghiên cứu phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, có tính tích hợp cao. Các chuyên gia cũng gợi ý nếu tham khảo các chương trình của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA) thì có thể vừa hoàn thành chương trình học tại trường, vừa được cấp chứng chỉ của FIATA. Trường Đại học Hồng Đức có thể định hướng khi sinh viên vào học ngành quản trị kinh doanh. Trong chương trình có các module nếu hoàn thành các module đó thì vẫn được cấp chứng chỉ của FIATA. Như vậy sẽ có ngay được nguồn nhân lực trong một thời gian ngắn, ví dụ 1 chương trình đào tạo Supply chain management chỉ cần 6-7 tháng là có thể đạt được chứng chỉ.

Anh Đào Trọng Khoa, thành viên ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho biết sẵn sàng đón chào các cơ sở đào tạo đến thăm quan, hợp tác với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo thực hành cho các sinh viên, học viên trong lĩnh vực logistics. Chuyển đổi số cũng là một hướng mà các doanh nghiệp logistics hướng tới. Trong thời gian tới VLA có thể phối hợp với các trường để đưa các chương trình đào tạo công nghệ số ứng dụng trong logistics để học viên có thể sẵn sàng bước vào môi trường làm việc số hóa sau khi tốt nghiệp.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa- trường Đại học giao thông vận tải tp. Hồ Chí Minh và PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, trường Đại học Ngoại thương cũng cung cấp thông tin về chương trình đào tạo của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận ASEAN (ASEAN Federation of Forwarders Associations), trong đó xây dựng các module cho phía Việt Nam: Warehouse management và Road transport. Sau khi hoàn thành sẽ mời các bên liên quan sang Thái Lan để đào tạo và sau đó sẽ triển khai trên toàn ASEAN và cấp các chứng chỉ của chương trình trên toàn ASEAN.

Tại buổi làm việc, Đại diện trường đại học Hồng Đức bày tỏ nguyện vọng tham gia Mạng lưới đào tạo logistics, nhằm góp phần giải bài toán về nguồn nhân lực logistics đang cấp thiết tại Thanh Hóa. 

Về phía Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại- Bộ Công Thương, bà Đinh Thị Bảo Linh, phó giám đốc Trung tâm, thành viên ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 cũng cho biết với nguồn cơ sở dữ liệu phong phú và chi tiết về lĩnh vực công thương nói chung và logistics nói riêng, Trung tâm sẵn sàng hợp tác, chia sẻ để các giảng viên có được nguồn thông tin, dữ liệu cần thiết cho công tác nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực logistics cũng như các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, thương mại trong thời gian tới. 

3. Khảo sát hoạt động logistics tại Khu công nghiệp Lễ Môn – Thanh Hóa

 

Theo tìm hiểu của Ban biên tập, KCN Lễ Môn tỉnh Thanh Hoá được Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại quyết định số: 186/1998/QĐ-TTg, ngày 25/9/1998 và Quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 29/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 186/1998/QĐ-TTg ngày 25/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lễ Môn, tỉnh Thanh Hoá.

Đây là KCN tập trung đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, nằm cách trung tâm Thành phố Thanh Hoá và Quốc lộ 1A 5 km về phía Đông, cách cảng Lễ Môn 1km, cảng biển Nghi Sơn 60 km.

Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp (KCN), gồm: Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn – Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển các KKT, KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm KKT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN gần TP Thanh Hóa, gồm: KCN - đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa và KCN - đô thị - dịch vụ phía Bắc TP Thanh Hóa. Tổng số 286 ha của KCN Hoàng Long sẽ được dần thu hẹp và tiến tới loại bỏ hẳn hoạt động công nghiệp, trở thành đất đô thị. Đó cũng là điều hợp lý để hiện thực chiến lược phát triển đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh dọc hai bên bờ sông Mã mà TP Thanh Hóa đang hướng tới

Riêng KCN Lễ Môn, tạm thời vẫn được duy trì nhưng không phát triển mở rộng thêm bởi những bất cập trong phát triển đô thị đã hiện hữu.

Tại Khu công nghiệp Lễ Môn, Đoàn công tác đã khảo sát tại làm việc về tình hình xuất nhập khẩu và logistics của công ty Sakurai Việt Nam (Địa chỉ: KCN Lễ Môn, P. Quảng Hưng, TP Thanh Hóa)

Trong buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa, đại diện công ty Sakurai Việt Nam và Đoàn khảo sát đã cùng thảo luận về tình hình xuất, nhập khẩu, logistics; đồng thời thăm quan các kho bãi, tình hình sản xuất thực tế của doanh nghiệp.


Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam chụp ảnh với các cán bộ Sở Công Thương Thanh Hóa và đại diện công ty Sakurai Việt Nam tại công ty, tháng 4/2021.

Theo giới thiệu của đại diện phía công ty giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp, công ty đi vào hoạt động từ năm 2009.  Sản phẩm chính là hàng may mặc của Uniqlo (hiện công ty đang gia công độc quyền cho Uniqlo), với sản lượng 90 triệu sản phẩm/năm. Số lượng công nhân là 12.000 công nhân. Đội ngũ làm về nghiệp vụ xuất nhập khẩu khoảng 13 người bao gồm cả làm thủ tục hải quan, làm C/O (Hiện công ty đã xuất khẩu tới các thị trường mà Việt Nam có kí kết FTA, mỗi tháng sử dụng 300-400 bộ C/O.

Do đặc tính là đơn vị gia công xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics cho hàng xuất nhập khẩu của công ty hiện được thực hiện heo chỉ định của khách hàng (họ chỉ định hãng tàu, xuất khẩu theo phương thức EXW, FCA- giao hàng lên phương tiện vận tải).

Việc khan hiếm container gần đây cũng ảnh hưởng nhỏ đến việc đóng hàng và giao hàng của công ty, nhưng vì công ty xuất khẩu theo phương thức FCA nên không bị ảnh hưởng nhiều khi cước tàu biển tăng. Công ty chủ yếu dùng container 40’ cao.

Hiện nay, các lô hàng xuất khẩu của công ty vẫn được chở bằng đường bộ tới cảng Hải Phòng để xuất khẩu, đi hoàn toàn bằng đường bộ (mất khoảng 5 giờ để đến cảng Hải Phòng). Trả lời câu hỏi của Ban biên tập về việc tại sao chưa thể tận dụng các cảng biển tại Thanh Hóa như cảng Nghi Sơn, công ty cho biết lý do vì chưa có tuyến vận tải phù hợp và lịch chuyến tàu phù hợp (hiện ở cảng Nghi Sơn ít tuyến tàu quốc tế, doanh nghiệp logistics bên thứ 3 của công ty chưa chọn được tuyến tàu hợp lý). Tại cảng Nghi Sơn mỗi tuần chỉ có 1-2 chuyến tàu quốc tế nên các công ty tại Thanh Hóa có nguồn hàng lớn và phải xuất khẩu liên tục thì vẫn phải qua cảng Hải Phòng.

Về nhập khẩu, mỗi tuần có khoảng 100-200 container nguyên vật liệu nhập khẩu, nhưng công ty mẹ chỉ định nhà cung cấp nguyên vật liệu, sau đó Sakurai sẽ gửi đơn hàng đến công ty đó.

4. Khảo sát tại Khu kinh tế Nghi Sơn và làm việc với cảng Nghi Sơn- Thanh Hóa

 

Tiếp tục hành trình, ngày 8/4/2021, Đoàn công tác đã khảo sát và làm việc tại Cảng Nghi Sơn (Địa chỉ: Khu kinh tế Nghi Sơn, TX Nghi Sơn, Thanh Hóa)


Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam chụp ảnh với các cán bộ của Sở Công Thương Thanh Hóa và đại diện cảng Nghi Sơn, tháng 4/2021

 

Đại diện Cảng Nghi Sơn Thanh Hóa cho biết hiện nay hệ thống Cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa đã có 21 bến đi vào hoạt động. Trong đó, cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa thuộc hệ thống cảng Nghi Sơn đã tiếp nhận thành công tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT.  Các dịch vụ logistics cho cảng được thuê ngoài gồm ăn uống, xăng dầu, bốc xếp nên mô hình rất tinh gọn, thuận lợi cho sự phát triển năng động sắp tới.

 

Theo cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ tỉnh Thanh Hóa đi cảng Hải Phòng cho mỗi chuyến container 20 feet từ 8 - 8,5 triệu đồng, cao hơn so với chi phí vận chuyển hàng hóa đến cảng Nghi Sơn từ 1,5 - 2 triệu đồng. Loại container 40 feet từ 9 - 9,5 triệu đồng, cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng.

 

Chi phí vận chuyển đường biển qua cảng Nghi Sơn cao hơn so với qua cảng Hải Phòng từ 150 - 500 USD (tương đương 3,5-11,5 triệu đồng) tùy theo vận chuyển (nguyên nhân là do chi phí vận chuyển container rỗng; chi phí lai dắt, năng lực xếp dỡ hàng hóa và các chi phí dịch vụ khác).

 

Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương áp dụng nhiều biện pháp đa dạng để thu hút nguồn hàng xuất và nhập khẩu cũng như các tàu quốc tế ghé cảng Nghi Sơn. Ví dụ, ngoài các chính sách nhằm thu hút nguồn hàng, tỉnh cũng hỗ trợ các hãng tàu container quốc tế ( 200 triệu/tàu chỉ dành cho tàu container quốc tế, hiện nay chỉ 1 hãng CMA).

 

Theo đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa, tỉnh sẽ tổ chức các chương trình, hội thảo để kêu gọi hãng tàu lớn vào Nghi Sơn. Ông Trần Thanh Hải- trưởng đoàn công tác cũng cho biết Bộ Công Thương và Ban biên tập sẵn sàng tư vấn, phối hợp tổ chức các hội thảo, chương trình để tìm lời giải cho bài toán mở thêm các tuyến tàu container quốc tế mới cho các cảng biển của Thanh Hóa. 

 

Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu hoàn chỉnh Cảng Nghi Sơn thành cảng 1A, góp phần đưa Thanh Hóa thành một trong những trọng điểm về vận tải - cảng biển của cả nước. 

 

Theo đánh giá phân loại cảng biển của Việt Nam, cảng biển 1A phải đạt 3 tiêu chí: là cảng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; có sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trên 10 triệu tấn 1 năm; và có khả năng tiếp nhận cỡ tàu từ 70.000 DWT trở lên. 

 

Về dư địa cho sự phát triển của cảng, theo tính toán từ đại diện cảng Nghi Sơn, lượng hàng của nhà máy gang thép Nghi Sơn hiện chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của cảng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng do Nhà máy sẽ tăng công suất lên khoảng 8 triệu tấn/năm.

 

Hiện nay hệ thống Cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa đã phục vụ cho gần 9.300 lượt tàu thuyền trong nước và quốc tế ra vào cảng, trong đó, đã tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT. Năm 2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng Nghi Sơn ước đạt hơn 41,5 triệu tấn; riêng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt gần 18 triệu tấn. Xét về các tiêu chuẩn, Cảng Nghi Sơn hiện đã hội đủ các điều kiện để trở thành cảng loại 1A. Định hướng xây dựng Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa đủ điều kiện để trở thành cảng loại 1A chính là căn cứ để các doanh nghiệp khai thác cảng có định hướng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Hoàn chỉnh cảng Nghi Sơn thành cảng 1A” . Trở thành Cảng 1A sẽ là dấu mốc quan trọng khẳng định năng lực cảng biển Nghi Sơn – Thanh Hóa, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Nghi Sơn như một mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về vận tải - cảng biển của cả nước. 

 

Như vậy, có thể nói Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng, cả về lợi thế địa lý, tiềm lực kinh tế và thu hút đầu tư...cho sự phát triển của dịch vụ logistics trong tương lai. Đồng thời dịch vụ logistics phát triển cũng là điều kiện quan trọng cho việc thu hút thành công nguồn vốn FDI chất lượng cao, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Để làm được điều đó, có rất nhiều việc phải làm, với trọng tâm là thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết  số 13/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ.

Tham khảo một số nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ:

Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng:

- Xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh. Sớm hoàn thành và đưa vào khai thác đường nối từ trung tâm thành phố Thanh Hoá đi Cảng hàng không Thọ Xuân và các huyện phía Tây của tỉnh; đường nối quốc lộ 47B với quốc lộ 45 đi Ninh Bình; đầu tư các tuyến đường kết nối các tuyến giao thông trục chính với nút giao của đường cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hoá và các tuyến giao thông trục chính trong Khu kinh tế Nghi Sơn; thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo. Tiếp tục đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các đô thị: thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, đô thị Lam Sơn Sao Vàng, thị xã Bỉm Sơn và các đô thị loại IV khác (thị trấn Ngọc Lặc...).

- Đầu tư nâng cấp và mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Thanh Hoá với các tỉnh Tây Bắc, nước bạn Lào. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn. Sớm hoàn chỉnh Cảng Nghi Sơn thành cảng 1A; đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng Lễ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham; bổ sung quy hoạch Cảng biên Lạch Sung vào quy hoạch cảng biên quốc gia và đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu khai thác cho tàu lớn hơn 5.000 tấn.

- Ưu tiên đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thuỷ lợi đầu mối, công trình trọng điểm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, điểm du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm công nghệ thông tin; khu nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

- Phát triển hạ tầng số, xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu của tỉnh Thanh Hóa kết nối đồng bộ, thống nhất với hạ tầng cơ sở dữ liệu vùng, quốc gia, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nguồn: BAN BIÊN TẬP BÁO CÁO LOGISTICS VIỆT NAM NĂM 2021

--------------------------------------------------------------------------
🚀  Các khóa học khai giảng trong tháng 04/2021: 
👉  Khóa Nghiệp vụ Logistics & XNK online/offline tại Hà Nội, Hải Phòng: 
👉  Khóa Quản trị Mua hàng:
=> Link đăng kí: https://bitly.com.vn/szwgl4





Khai giảng khóa học nghiệp vụ XNK thực tế hàng tháng. Học phí CỰC KỲ ƯU ĐÃI 3,000,000 VNĐ cho 14 buổi học cùng 7 giảng viên:

Sinh viên đăng ký giảm 30% chỉ còn : 2.100.000 VNĐ.
Người đi làm đăng ký giảm 20% chỉ còn : 2.400.000 VNĐ.
Đăng ký nhóm 2 người giảm ngay 100.000 VNĐ.