0353.380.835

LOGISTICS VIỆT NAM ĐANG ĐI NGƯỢC VỚI THẾ GIỚI

24/11/2019

Logistics Việt Nam đang đi ngược thế giới

Mặc dù tỷ trọng đóng góp cho GDP thấp nhưng chi phí cho dịch vụ logistics lại cao, trong khi xu hướng của các nền kinh tế trên thế giới thì ở chiều ngược lại...

Chi phí logictics đang là yếu tố không nhỏ đẩy giá nông sản của Việt Nam tăng cao.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra nghịch lý của ngành dịch vụ logistics Việt Nam tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại Đà Nẵng do Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Như năm 2019 dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 530 tỷ USD, trong đó riêng hàng hoá nông sản đạt kim ngạch khoảng 41 tỷ USD... Con số đó cho thấy tiềm năng lớn để ngành dịch vụ logistics phát triển.

 Tuy nhiên, một nghịch lý là chi phí logistics của Việt Nam đang khá cao. Ví dụ như 1kg quả thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không có chi phí logistics khoảng 3,5USD, nếu giá bán 7 USD thì chi phí logistics đã chiếm mất 50%.

"Tôi từng nghe một doanh nghiệp kể chuyện, 1 kg tôm chuyển lên khu vực miền núi (trong nước) đắt hơn chuyển 1kg tôm từ Ecuado về Việt Nam... Đó chính là do chi phí logistics của chúng ta chưa hợp lý", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển các loại hình dịch vụ nói chung, trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ có giá trị cao như tài chính, ngân hàng, logistics....

Để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về  logistics, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng như: Quyết định số 200/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; Chỉ thị số 21/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông...

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các Bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế.

"Nhiệm vụ mới trên đây của Ủy ban được xem là cột mốc có ý nghĩa quan trọng cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng như việc tạo thuận lợi thương mại, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics của đất nước tiến kịp với trình độ tiên tiến của logistics quốc tế...", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng còn lưu ý, chúng ta càng đầu tư nhiều lĩnh vực logistics càng làm lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm chi phí logistics giảm xuống khoảng 16% tỷ trọng GDP (hiện nay chi phí đang cao hơn 20%). Đóng góp cho GDP là 8 đến 10% GDP (hiện khoảng 4 đến 5%)...

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn đạt được mục tiêu đề ra chúng ta phải đổi mới ở tất cả các khâu. Vì từ ngay ở khâu sản xuất đã liên quan đến logistics, rồi đến dịch vụ đầu vào, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch... tất cả đều liên quan đến logistics. Chúng ta sản xuất tốt nhưng chế biến còn hạn chế, như công nghệ chuỗi lạnh của mình đang rất kém, bán hàng thô, nặng và sơ chế sau thu hoạch còn hạn chế. Trong khi đó chất lượng sản phẩm quyết định đến phương thức vận tải.

"Chúng ta đặt mục tiêu đưa thứ hạng cạnh tranh của ngành logistics trên thứ hạng 50 của thế giới, trong khi báo của của WB là mình đã ở thứ hạng 39. Tôi chưa tin lắm về số liệu thống kê này... Nói chung là mình đang thấp, đang ngược thế giới khi đóng góp GDP thấp những chi phí logistics trong cấu thành hàng hoá lại cao...", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong thời gian tới phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vì đây là yếu tố giúp cho doanh nghiệp logistics trong nước có thể mạnh lên. Chúng ta dần dần hiện đại hoá ngành này như sử dụng robot thay con người, sử dụng xe chuyển hàng tự động, ứng dụng QR, tối ưu hoá tồn kho dựa trên dữ liệu điện toán đám mây... Thay đổi mô hình kinh doanh là quan trọng hiện nay. Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rất mạnh đôi khi phá huỷ các mô hình kinh doanh truyền thống để thay bằng mô hình mới nếu các doanh nghiệp logistics không bắt kịp sẽ thua trên thị trường cạnh tranh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải biết chia sẻ năng lực, chia sẻ phương tiện... để tránh những việc đang diễn ra trong thực tế như container rỗng chiều về, hàng hoá xếp vào một container thì thiếu mà xếp vào hai container thì thừa...

Tôi đề nghị các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn; các cấp, các ngành cần phối hợp nhịp nhàng hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics. Đặc biệt là trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Nguồn: VnEconomy

Khai giảng khóa học nghiệp vụ XNK thực tế hàng tháng. Học phí CỰC KỲ ƯU ĐÃI 3,000,000 VNĐ cho 14 buổi học cùng 7 giảng viên:

Sinh viên đăng ký giảm 30% chỉ còn : 2.100.000 VNĐ.
Người đi làm đăng ký giảm 20% chỉ còn : 2.400.000 VNĐ.
Đăng ký nhóm 2 người giảm ngay 100.000 VNĐ.