ĐỀ XUẤT VAY 251,6 TRIỆU USD PHÁT TRIỂN LOGISTICS PHÍA NAM
Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 251,6 triệu USD (tương đương 5.825,45 tỷ đồng), trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Thế giới (WB) 172,16 triệu USD VNĐ (tương đương 3.986,07 tỷ) để thực hiện các công việc: thi công xây lắp và các công tác liên quan, tư vấn giám sát thi công, tư vấn giám sát thực hiện tái định cư, tư vấn kiểm toán tài chính, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thủy.
Phần vốn đối ứng trị giá 77,37 triệu USD (tương đương 1.791,45 tỷ VNĐ) sẽ được thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, trả thuế VAT, chi phí quản lý dự án, rà phá bom mìn, bảo hiểm, kiểm toán dự án hoàn thành.
Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam sẽ chỉ nâng cấp tuyến Hành lang Đông – Tây kết nối khu vực đồng bằng song Cửu Long (trung tâm kinh tế Cần Thơ) với TP HCM và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đạt cấp II và nâng cấp Hành lang Bắc – Nam liên kết Bình Dương – Đồng Nai – Thành phố Hồ Chí Minh với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đạt cấp II. Địa bàn triển khai công trình là TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long khá cao. Với thế mạnh về sản phẩm nông sản, thủy sản, khu vực này cần một “trạm trung chuyển” cỡ lớn để tạo sức bật, nhất là phục vụ cho xuất khẩu mặt hàng chủ lực. Để hiện thực hóa mục tiêu, khu vực này cần hình thành một Trung tâm logistics lớn, qua đó kéo giảm chi phí vận tải cho các doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Đình Hòa (Viện Kinh tế Việt Nam), chi phí vận tải là một trong những thước đo để đánh giá thực trạng về số lượng, chất lượng lẫn cách thức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Mặc dù tỷ trọng chi phí vận tải trong tổng chi phí kinh doanh ở các tỉnh vùng Tây Nam bộ có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao và giảm chậm hơn so với mặt bằng chung cả nước. Việc vận chuyển một tấn hàng từ Tây Nam bộ bằng đường thủy về các cảng TP HCM để xuất khẩu có chi phí rẻ hơn từ 10 - 60% so với vận tải bằng đường bộ.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh lớn trên thế giới, mỗi năm, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đóng khoảng 6.700 - 7.000 container tôm xuất khẩu với kim ngạch đạt 750 - 850 triệu USD.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ Đồng bằng sông Cửu Long, không phải đưa lên TP HCM thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, khoảng 30 - 40%. Khi đó, tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản sẽ cao hơn.
“Từ Cà Mau lên TP HCM chi phí vận chuyển là 11 triệu đồng/container và từ Hậu Giang đi TP HCM là 7 triệu đồng/container. Như vậy, với 6.700 - 7.000 container/năm, thì chi phí tiếp vận hậu cần riêng vận chuyển hàng hóa hơn 60 tỷ đồng”, ông An cho biết.
Để giải quyết bài toán này, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực cần được chú trọng và có hướng đi hợp lý.
Nguồn: Báo mới