Mỹ áp thuế 100% với ô tô điện Trung Quốc, đối mặt nguy cơ bị trả đũa
19/05/2024
Mỹ áp thuế 100% với ô tô điện Trung Quốc, đối mặt nguy cơ bị trả đũa
Nhà Trắng áp thuế cao để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ, nhưng đứng trước nguy cơ gây căng thẳng thương mại
Trung Quốc có thể sản xuất 30 triệu chiếc ô tô điện mỗi năm nhưng được cho là chỉ có thể bán được 22 triệu-23 triệu xe trong nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 14/5 đã công bố mức thuế 100% đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất như một phần trong gói biện pháp nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ.
Theo tờ Guardian, trong một động thái có khả năng gây căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nhà Trắng cho biết họ đang áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD.
Các nguồn tin cho biết động thái này diễn ra sau cuộc đánh giá kéo dài 4 năm và là một biện pháp phòng ngừa được thiết kế nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường Mỹ và kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực công nghệ xanh ở nước này.
Cùng với việc tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, chính quyền Mỹ cũng sẽ tăng thuế từ 7,5% lên 25% đối với pin lithium, từ 0 lên 25% đối với các khoáng sản quan trọng, từ 25% lên 50% đối với pin mặt trời và chất bán dẫn.
Thuế nhập khẩu đối với thép, nhôm và thiết bị bảo hộ cá nhân từ Trung Quốc – vốn dao động từ 0 đến 7,5% – cũng sẽ tăng lên 25%.
Bất chấp rủi ro bị Bắc Kinh trả đũa, Tổng thống Biden cho biết việc tăng thuế là một phản ứng tương xứng trước tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô điện. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang sản xuất 30 triệu xe điện mỗi năm nhưng chỉ có thể bán được 22-23 triệu chiếc trong nước.
Thuế đánh vào ô tô của chính phủ Mỹ phần lớn mang tính biểu tượng vì xe điện Trung Quốc gần như đã bị loại khỏi thị trường Mỹ bởi mức thuế do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt trong nhiệm kỳ của ông. Tuy vậy, các nhóm vận động hành lang vẫn cho rằng có mối đe dọa trong tương lai khi Bắc Kinh tìm cách sử dụng xuất khẩu để bù đắp cho sự yếu kém của nền kinh tế trong nước.
Liên minh Sản xuất Mỹ cho biết việc đưa ô tô Trung Quốc vào thị trường Mỹ sẽ là một “sự kiện ở mức độ tuyệt chủng” đối với các nhà sản xuất ô tô của họ.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã công bố một loạt biện pháp –như Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Chips – nhằm thúc đẩy nền công nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao và “ghi điểm” tại các bang chiến trường, nơi có khả năng quyết định cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Ông Biden đã có quan điểm cứng rắn về thương mại kể từ khi vào Nhà Trắng năm 2021 và tin rằng kế hoạch của ông mang lại một cách tiếp cận có mục tiêu hơn và ít rủi ro hơn so với rủi ro mà người tiền nhiệm của ông tạo ra với Trung Quốc.
Vào tháng 3, ông Trump nói rằng, nếu được bầu làm tổng thống vào cuối năm nay, ông sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với “từng chiếc ô tô” từ các nhà máy do người Trung Quốc sở hữu ở Trung Quốc. “Họ sẽ không thể bán những chiếc xe đó [ở Mỹ]”, ông nói. Ông cũng cam kết sẽ tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 60%, một cách tiếp cận mà các nhà phê bình cho rằng sẽ làm tăng giá cả đối với người tiêu dùng Mỹ vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao.
Trong khi đó, hồi tháng 4, Tổng thống Biden cho biết ông “không muốn gây chiến với Bắc Kinh” nhưng Mỹ cần phải chống lại “các hoạt động kinh tế không công bằng và dư thừa công suất công nghiệp” của Trung Quốc. “Tôi đang tìm kiếm sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh công bằng”, ông nói.
Các mức thuế mới của Mỹ sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ 14/5 - khoảng thời gian này sẽ được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu trả đũa của Trung Quốc. Các nguồn tin của Nhà Trắng cho biết mục đích của việc tăng thuế không phải là làm leo thang căng thẳng thương mại mà là để hỗ trợ cho các bộ phận của nền kinh tế Mỹ, những nơi rơi vào chu kỳ thoái vốn.
Nguồn: baomoi.com