Trung Quốc đã chi hơn nửa tỷ USD xây kho hàng sát biên giới Việt Nam
19/05/2024
Trung Quốc đã chi hơn nửa tỷ USD xây kho hàng sát biên giới Việt Nam
Theo Sở Công Thương Lào Cai, hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng khổng lồ từ Trung Quốc khi dọc biên giới xuất hiện nhiều kho hàng, trung tâm TMĐT.
Trung Quốc đã xây dựng nhiều kho hàng, trung tâm thương mại điện tử để thu gom hàng trong nước và phân phối ở nước ngoài.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Lào Cai tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc lần thứ 10, cơ quan này đánh giá hệ thống logistics và hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phía Trung Quốc đang rất phát triển.
Qua các chuyến khảo sát và thông tin từ phía Trung Quốc, Sở này cho biết tỉnh Vân Nam đã hình thành Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu) và ở một số cửa khẩu khác dọc trên tuyến biên giới Việt - Trung.
Nguồn hàng khổng lồ từ Trung Quốc
Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu), phân khu Hồng Hà cách cửa khẩu đường bộ Hà Khẩu (Cửa khẩu số I) 3 km. Tổng diện tích sử dụng đất, diện tích xây dựng lên tới 660.000 m2. Tổng mức đầu tư là 3,68 tỷ nhân dân tệ (tương đương 525 triệu USD).
Sở Công Thương Lào Cai cho biết các kho hàng, trung tâm thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng “thu gom trong nước và phân phối ở nước ngoài". Cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livestreams bán lẻ… cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng.
"Đồng thời, gửi bưu kiện trong nước đi nước ngoài, tiếp nhận, mở các bưu kiện nước ngoài, trung chuyển các bưu kiện quá cảnh...", cơ quan quản lý cho biết.
Vì vậy, Sở Công Thương Lào Cai đánh giá thời gian tới hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc được nhập khẩu thông qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo cơ quan quản lý ngành Công Thương, hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc.
"Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì những mặt hàng đặc trưng (cà phê, sản phẩm OCOP...) của Việt Nam có thể tận dụng kênh phân phối này và hệ thống logistics phía Trung Quốc để đưa hàng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc", cơ quan này đánh giá.
Đánh giá về hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng hiện nay hệ thống tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể một số tỉnh vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, chưa hình thành được hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn; một số loại hình mới chưa được phát triển (outlet, khu kinh tế mở, kho hàng, logistics... ) làm hạn chế tiến trình hội nhập với xu thế phát triển của các nước trên thế giới.
"Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển chưa đồng đều ở các địa phương nhất là các địa phương khu vực miền núi, tỷ trọng thương mại điện tử đóng góp cho kinh tế số và tổng mức bán lẻ chưa cao", Sở Công Thương Hà Nội đánh giá.
Lào Cai đề xuất xây khu thí điểm TMĐT qua biên giới
Trước bối cảnh kể trên, Sở Công Thương Lào Cai cho rằng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, khu thương mại trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai theo quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu. Đồng thời, xây dựng các chợ đầu mối bán buôn, các siêu thị tổng hợp quy mô lớn.
Do đó, Sở đề xuất đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án: Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
"Hướng dẫn UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu, lựa chọn, triển khai các mô hình kinh tế phù hợp (Khu thương mại tự do, Khu thí điểm thương mại điện tử qua biên giới, Khu hợp tác kinh tế qua biên giới)", Sở Công Thương tỉnh này đề xuất.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất bổ sung quy hoạch logistics tỉnh Lào Cai vào quy hoạch tổng thể logistics quốc gia và hỗ trợ xây dựng Trung tâm logistics quy mô khu vực Asean - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai.
Bộ Công Thương cho biết đối với đề xuất về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Bộ đã nhiều lần trao đổi với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc về khả năng tái khởi động đàm phán thỏa thuận khung xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Tỉnh Lào Cai có hơn 182 km đường biên giới với Trung Quốc gồm 2 cặp cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu phụ lối mở biên giới.
"Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các đơn vị đầu mối phía Trung Quốc đang tiến hành tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới với các nước để tìm kiếm mô hình thành công có thể nhân rộng", Bộ Công Thương cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có các văn bản báo cáo riêng tới cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Với đề nghị hướng dẫn tỉnh Lào Cai nghiên cứu các mô hình như Khu thương mại tự do, Khu thí điểm thương mại điện tử qua biên giới..., Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, Bộ đã nhiều lần trao đổi, đề nghị phía Trung Quốc.
Đặc biệt là các địa phương có biên giới trên đất liền với Việt Nam như Vân Nam và Quảng Tây, hoặc các địa phương có kinh nghiệm vận hành thành công mô hình nêu trên như Thượng Hải, Giang Tô...
"Căn cứ quá trình trao đổi, thu thập thông tin từ phía Trung Quốc, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu và cung cấp tới tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh tham khảo thông tin từ Tổng cục Hải quan và UBND tỉnh Lạng Sơn về tiến độ, kinh nghiệm triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh của tỉnh Lạng Sơn với Quảng Tây", Bộ Công Thương đề nghị.
Nguồn: znews.vn