Cách BEE Logistics thực hiện "giấc mơ" doanh nghiệp vận tải Việt tầm cỡ Quốc tế
13/05/2024
Cách BEE Logistics thực hiện "giấc mơ" doanh nghiệp vận tải Việt tầm cỡ Quốc tế
Từ năm 2004, ra đời với quy mô nhỏ, kinh nghiệm ít nhưng mục tiêu vươn tầm quốc tế sau 20 năm của BEE Logistics đã dần thành hiện thực với doanh thu năm 2023 đạt 485 triệu USD cùng mạng lưới văn phòng tại 12 quốc gia.
"Giấc mơ" vươn ra quốc tế
Ông Lê Trần Nhật Phương – Phó giám đốc Công ty CP Vận tải Con ong (BEE Logistics)
Ông Lê Trần Nhật Phương, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải Con ong (BEE Logistics) chia sẻ, thời điểm hơn 20 năm về trước, nhận thấy rằng khách hàng nước ngoài thường chỉ chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của nước ngoài. Đó là một thiệt thòi của doanh nghiệp Việt, 5 con người với chung hoài bão xây dựng một doanh nghiệp logistics tầm quốc tế đã cùng nhau gom góp 7 tỷ đồng làm vốn và bắt đầu thực hiện ước mơ.
Với tinh thần, mục tiêu đó, cái tên BEE Logistics ra đời. Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải hình ảnh “con ong” là đại diện cho tinh thần quả cảm, làm việc đoàn kết, chăm chỉ, cần cù…đều là những đức tính nổi bật của người Việt Nam.
Ông Phương kể với vốn ít, kinh nghiệm non trẻ, thời gian đầu BEE chỉ làm dịch vụ gom hàng đường biển. Cần mẫn đến nay BEE Logistics đã cung cấp hầu hết các dịch vụ logistics tích hợp, hiện đại từ khai thuê hải quan, vận chuyển hàng không, hàng container, hàng rời, vận tải đa phương thức, đường sắt, vận tải xuyên biên giới, dịch vụ door to door, hàng siêu trường, siêu trọng các dịch vụ giá trị gia tăng như đóng gói, lưu trữ…
“Trải qua hơn 20 năm phát triển và trưởng thành, Bee Logistics đã có sự phát triển vượt bậc với lực lượng nhân sự trên toàn hệ thống là hơn 900 người với 40 văn phòng tại 12 quốc gia như: Việt Nam, Campuchia, Myanmar và các công ty liên doanh liên kết, văn phòng đại diện tại Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia ….cùng hệ thống đối tác chiến lược trên toàn cầu”, ông Phương chia sẻ.
Mục tiêu có mặt khắp 5 châu của công ty 100% vốn Việt Nam cũng sẽ được thực hiện trong năm tới khi ông Phương cho biết kế hoạch năm 2025 sẽ có thêm văn phòng đặt tại 3 quốc gia khu vực châu Phi.
Để có được sự tin cậy và liên tục mở rộng mạng lưới như hiện nay, ông Phương cho rằng nhờ vào dịch vụ của Bee Logistics cung cấp được cá biệt hóa để phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng, đem lại lợi ích, hiệu quả và tính tin cậy cho chuỗi cung ứng, gia tăng tính cạnh tranh và tạo ra giá trị cho khách hàng. Bee Logistics cũng là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam có đầy đủ các giấy phép từ khai thuê hải quan, vận tải đa phương thức đến vận tải đơn được chấp thuận bởi Cục hàng hải liên bang Mỹ (FMC).
“Bên cạnh dịch vụ logistics truyền thống BEE còn cung cấp dịch vụ đặc thù như quản lý vận chuyển linh phụ kiện máy bay cho hàng không trong và ngoài nước; vận chuyển linh kiện điện tử”, lãnh đạp BEE nói.
Bản lĩnh dẫn đầu phải ứng phó mọi khó khăn
“Logistics gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, vì vậy sự thuận lợi hay khó khăn của chúng tôi cũng gắn liền với bối cảnh toàn cầu. Thời điểm dịch bệnh xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ Việt Nam mà còn toàn cầu gây khó khăn nghiêm trọng lên tất cả doanh nghiệp và chúng tôi cũng không nằm ngoài thực trạng này”, ông Phương nhắc lại sự kiện Covid-19 và nhấn mạnh đây là dấu mốc đáng ghi nhớ của ngành logistics.
Còn hiện nay căng thẳng Biển Đỏ cũng làm chuỗi cung ứng ảnh hưởng mạnh mẽ như kéo dài thời gian, tốn thêm chi phí cho các đơn vị. Với vận tải đường biển phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng làm đội chi phí, thời gian vận chuyển hàng hoá tăng khiến doanh nghiệp phải tiêu thụ thêm dầu, nhiên liệu.
BEE Logistics thuê máy bay để vận chuyển hàng hoá thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Đây được coi là cách ứng phó linh hoạt mang tầm nhìn chiến lược lớn.
Với tâm niệm để trở thành người dẫn đầu thì doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với khó khăn. Ông Phương dẫn chứng, giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra các hãng hàng không cắt giảm tần suất khai thác dẫn đến năng lực phục vụ của các hãng này bị hạn chế rất nhiều. BEE quyết định chủ động làm việc với các hãng hàng không thuê hẳn máy bay của họ để khai thác thành những chuyến bay charter, không chỉ theo yêu cầu riêng của khách hàng mà còn làm tour tuyến hẳn hoi.
“Ví dụ như charter chuyến Việt Nam – Melbouner Úc, Việt Nam – Hàn Quốc mỗi tuần 3 lần Hay những chuyến bay sang Mỹ, EU cũng được diễn ra đều đặn. Như vậy chúng tôi đã chủ động ứng phó và không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thời gian đó chúng tôi rất tự hào vì là đơn vị cung ứng liên tục thậm chí đầy đủ đơn hàng cho khách bất chấp khó khăn”, ông Phương kể lại.
Bàn về thực trạng chi phí logistics Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khá cao, Phó Giám đốc BEE logistics cho rằng đây là bài toán khó cần sớm giải quyết. Nhất là làm sao nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng giảm chi phí vận chuyển.
Đối với thị trường trong nước BEE cũng liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ đường bộ như xe tải, container nhằm tạo chuỗi cung ứng, cắt gỉam chi phí. Đặc biệt là nhu cầu vận tải đường sắt hiện cũng rất tiềm năng vì đảm bảo được tiến độ, vấn đề thời gian ít bị những tai nạn không mong muốn trên quá trình vận chuyển cũng như giá cả hợp lý.
“Ví dụ như diễn biến chính sự thế giới căng thẳng tại Nga – Ukraina dẫn đến việc vận chuyển hàng hoá trực tiếp vào những thị trường này hoặc khu vực lận cận gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ hợp tác với các hãng hàng không, hãng tàu quốc tế. BEE là đại lý cấp 1 với sản lượng đóng góp vượt trội nên chúng tôi được hưởng “chế độ đặc biệt” về giá và tải vận chuyển đi các thị trường quốc tế.
BEE Logistics đưa ra giải pháp cho khách hàng là sẽ đưa hàng qua Trung Quốc sau đó vận chuyển bằng đường sắt qua các thị trường Nga, Trung Đông để cắt giảm chi phí”, ông Phương dẫn chứng.
Mục tiêu phải luôn ứng phó với khó khăn, BEE còn giải bài toán chi phí bằng cách tự đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng cứng như các kho bãi, bến cảng, trung tâm phân phối. Bên cạnh đó, rèn luyện training đội ngũ nhân lực nhằm nâng cao năng suất lao động cũng là cách mà doanh nghiệp này triển khai để cắt giảm chi phí logistics trong tương lai.
Sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp FDI
Nhận thức được thực trạng “miếng bánh” logistics hiện đa phần rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song lãnh đạo BEE Logistics cho rằng thị trường luôn có nhiều cơ hội, nếu “miếng bánh” lớn thuộc về các FDI thì có nghĩa là các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn, quy mô lớn sẽ đáp ứng cho các thị trường lớn. Vậy thì doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ có cơ hội cho mình nhất là các thị trường ngách.
“Người Việt luôn năng động và luôn biết cách biến khó khăn thành cơ hội và Bee của chúng tôi là một minh chứng. Dù là đơn vị Việt Nam nhưng ngay từ khi thành lập chúng tôi đã xác định phải trở thành công ty toàn cầu. Khi đó sẽ cạnh tranh song phẳng với các doanh nghiệp lớn khác. Qua 20 năm chúng tôi đã làm được.Tôi tin rằng các doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp có thương hiệu vươn tầm toàn cầu như vậy”, ông Lê Trần Nhật Phương tự tin cho hay.
Lãnh đạo BEE Logistics khẳng định, trong hành trình vươn tầm toàn cầu luôn luôn coi nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của sự phát triển. Doanh nghiệp trân trọng từng nhân viên và luôn tâm niệm luôn xem họ như “viên ngọc trong đá” để training, mài dũa sao cho họ trở thành “viên ngọc sáng” trong tương lai.
“Thực tế chúng tôi phát triển mạnh là nhờ nguồn nhân lực tận tuy, có chuyên môn cao và trung thành với công ty. Trân trọng, yêu quý và chăm sóc từng khía cạnh công việc lẫn cuộc sống là cách mà ban lãnh đạo BEE luôn dành cho nhân viên mình”, ông Phương chia sẻ.
Một minh chứng thể hiện năng lực của doanh nghiệp này là trong vòng 5 năm trở lại đây BEE Logistics tăng trưởng đều đặn trung bình 30% mỗi năm.
Phó Giám đốc BEE Logistics thông tin thêm, riêng năm 2024 có sự khó khăn và suy giảm nên chúng tôi ước tính mức độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 15%. Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu cho tốt vì đây cũng là bước tạo đà cho sự phát triển vượt bậc về sau khi mà thị trường dần hồi phục trở lại.
Để sánh ngang với các doanh nghiệp ngoại trong xu thế hiện nay chúng tôi tập trung số hoá, đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin để tối ưu hoá quy trình vận hành cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động. Quan trọng hơn nữa cải thiện trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ là mục tiêu mà doanh nghiệp này đang triển khai.
“Thực tế chúng tôi đầu tư mạnh bằng cách đầu tư phần mềm công nghệ thông tin với tính năng tinh giản, tích hợp tự động chia sẻ dữ liệu. Mục tiêu đến năm 2030, 95% các hoạt động và thao tác của công ty đều thực hiện bằng phần mềm hết. Và 80% các đối tác đại lý nước ngoài và 50% khách hàng chính của chúng tôi có thể kết nối với chúng tôi qua API”, ông Phương nêu kế hoạch.
"Đặc biệt, nhận thấy trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng là rất lớn nên chúng tôi định hướng phát triển bền vững theo hướng xanh hoá các hoạt động logistic vì đây là xu thế chung. Hiện chúng tôi tuân thủ và đang hoạt động theo bộ tiêu chuẩn ESG về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp".
Nguồn: baodautu.vn