Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, có sự khác biệt khi so sánh tác động Covid-19 đối với các công ty da giày, may mặc với ngành điện tử, thể hiện qua việc các nhà máy điện tử tiếp tục tuyển dụng hàng loạt giữa khủng hoảng, trái ngược với các nhà máy dệt may, da giày, phải sa thải nhân công, thậm chí phá sản. Trao đổi với Trí Thức Trẻ bên lề Diễn đàn Đa phương 2020, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm đã giải thích rõ hơn hiện tượng này.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đứt gãy chuỗi cung ứng vì Covid-19 sẽ có tác động trực tiếp đến người lao động làm việc trong ngành sản xuất xuất khẩu. Doanh nghiệp có thể ứng phó tình huống này như thế nào?
Chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện, khi Covid-19 xảy ra, nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, có những nhãn lớn hủy đơn hàng hàng loạt, đặc biệt là ngành may mặc, da giày. Có một doanh nghiệp ở Bình Dương, tôi phỏng vấn hồi tháng 4. Chủ doanh nghiệp cho biết đã vận chuyển toàn bộ số hàng cho một nhãn hàng nước ngoài, nhưng khi hàng đến nơi, nhãn hàng đột ngột nói hủy đơn hàng, lập tức nhà máy 500 lao động của anh phải đóng cửa ngay lập tức.
Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy, có sự khác biệt khi so sánh tác động Covid-19 đối với các công ty da giày, may mặc với ngành điện tử. Cụ thể, các nhà máy ngành điện tử có sự đối thoại và chia sẻ rủi ro chuỗi cung ứng rất tốt. Nhưng trong ngành may mặc, da giày, việc đối thoại chưa được làm tốt lắm. Dẫn đến việc, có rất nhiều nhà máy dệt bị hủy đơn hàng.
Việc đối thoại không chỉ giữa doanh nghiệp với người lao động, mà còn cần có sự đối thoại giữa nhãn hàng đứng đầu chuỗi cung ứng, với các nhà cung ứng của mình để chia sẻ thông tin về đơn hàng, rủi ro chậm hàng, chậm thanh toán… nhằm hỗ trợ và chia sẻ lẫn nhau. Đây là mối quan hệ đối tác chứ không phải mua hàng một lần là xong.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy, những chuỗi cung ứng có cách ứng xử có trách nhiệm giữa nhãn hàng và các nhà cung cấp thì các nhà máy cũng có khả năng chống chịu khủng hoảng tốt hơn. Khi nhà máy chống chịu khủng hoảng tốt hơn thì tác động với người lao động cũng giảm đi rất nhiều.
Khi chúng tôi tiến hành khảo sát ở rất nhiều thành phố, tất cả các chuỗi cung ứng dựa trên mối quan hệ đối tác chia sẻ rủi ro thì họ gần như không phải sa thải công nhân và vẫn duy trì được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động của mình.
Có lý do khách quan nào khiến doanh nghiệp dệt may lâm vào tình huống bất khả kháng bị hủy đơn hàng nghiêm trọng hơn doanh nghiệp điện tử hay không, hay đơn thuần là vấn đề trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp?
Có tồn tại lý do khách quan. Trong một chuỗi cung ứng điện tử, sự liên kết các nhãn hàng với nhà cung ứng của họ chặt chẽ hơn rất nhiều. Ví dụ, Samsung hay LG khi đến Việt Nam, bên cạnh nhà máy sản xuất chính, các nhà cung ứng buộc phải chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc sang gần nhà máy chính. Bởi lẽ, tất cả hoạt động trao đổi của họ về vấn đề công nghệ, về vấn đề chất lượng sản phẩm xảy ra liên tục, gần như hàng giờ để đảm bảo là toàn bộ chuỗi cung ứng là JIT (Just In Time) để bảo kho bãi của họ không bị quá tải và đồng thời cũng để đảm bảo tính hiệu quả cho toàn chuỗi, sản xuất ra mặt hàng một cách nhanh nhất.
Trong khi đó, cách làm việc trong ngành dệt may và da giày có hơi khác. Khác ở chỗ, sau khi đã thiết kế ra mẫu rồi, nhãn hàng mới chuyển mẫu đó cho các nhà cung ứng. Nhà cung ứng có một khoảng thời gian nhất định, khoảng 30-60 ngày để sản xuất một đơn hàng đặt sẵn. Sau khi sản xuất xong, kiểm tra chất lượng xong, họ sẽ vẫn chuyển hàng cho nhãn hàng. Suốt toàn bộ quá trình này, việc đối thoại không thường xuyên và liên tục như trong ngành điện tử.
Các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ là đơn thuần là gia công, đặc biệt là những doanh nghiệp phải làm qua trung gian chứ không phải trực tiếp với nhãn hàng thì gần như không có cơ hội để đối thoại với nhãn hàng. Họ nhận thông tin vô cùng bị động. Khi việc hoãn hủy đơn hàng, xảy ra, họ gần như bó tay. Rất khó để ứng phó và trường hợp xấu nhất là phải đóng cửa nghiệp luôn. Rất nhiều chủ doanh nghiệp mà tôi phỏng vấn đã phải bán nhà, bán xe để trả lương cho công nhân.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp dệt may đã lường trước được vấn đề đó, hoặc đã được nhãn hàng cho biết là thị trường khó khăn và có thể có thay đổi. Họ đã nhanh chóng chuyển đổi sang các mặt hàng khác, hoặc chuyển sang thị trường nội địa. Họ nỗ lực để duy trì một phần nhất định về việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trong những tình huống bất khả kháng như vậy, yếu tố nào là quan trọng nhất đối với doanh nghiệp trong việc giải quyết khó khăn cho người lao động?
Việc đối thoại giữa doanh nghiệp với các bên đại diện cho người lao động là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi khảo sát, lao động Việt Nam rất "dễ thương". Hơn 60% lao động chấp nhận ngay lập tức tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí của doanh nghiệp vì họ thông cảm và hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn đó 30% lao động chưa được đối thoại, chưa được hỏi ý kiến, chưa được hiểu tại sao họ lại là người phải gánh chịu việc thắt chặt chi phí này. Đây chính là điều chúng ta có thể cải thiện hiện tại cũng như trong tương lai để mối quan hệ giữa nhà máy với người lao động khăng khít hơn, đi với nhau đường dài.
Qua cuộc khủng hoảng này, bài học lớn nhất cho các doanh nghiệp sản xuất là gì?
Theo tôi, bài học lớn nhất đối với doanh nghiệp là chọn bạn mà chơi. Phải chọn nhãn hàng đi đường dài về quan hệ đối tác. Họ đối thoại và chia sẻ với mình.
Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may phải tự cứu lấy bản thân mình, bằng cách đa dạng hóa nhãn hàng thay vì chỉ đơn thuần gia công qua trung gian. Phải đa dạng, làm cả với những hàng trực tiếp, nhãn hàng lớn, nhỏ, nhãn đồ hàng ngày, đồ thể thao… có rất nhiều biện pháp đa dạng hóa để tự cứu bản thân mình.
Ở thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã phần nào khôi phục trở lại, công ăn việc làm của người lao động qua đó đã được cải thiện ra sao?
Chúng tôi có tiến hành hai cuộc khảo sát. Khảo sát đầu tiên được thực hiện vào đúng thời điểm giãn cách xã hội, vào tháng 4 năm nay và khảo sát thứ hai được thực hiện vào tháng 8, tháng 9. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, thời điểm tháng 4, tác động đối với những ngành như du lịch, dệt may rất nặng nề, chúng ta rất bi quan về sự phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến tháng 8 và ở thời điểm hiện tại, bắt đầu có nhiều đối tượng phục hồi, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, điện tử, xuất khẩu thủy, hải sản. Thậm chí có những doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lại rất nhiều lao động. Rõ ràng, doanh nghiệp có bị tác động nhưng trong thời gian vừa rồi, với sự phục hồi của doanh nghiệp, việc làm phần nào đã được khôi phục.
Về chính sách giải quyết khó khăn cho người lao động, bà đánh giá thế nào về việc thực thi gói hỗ trợ 62.000 tỷ vừa rồi và cần rút kinh nghiệm điều gì cho việc hỗ trợ trong khủng hoảng?
Vào tháng 4, khi chúng tôi phỏng vấn người lao động, có tới 90% người lao động bị ảnh hưởng về việc làm và thu nhập. Họ cho biết, họ rất mong chờ gói 62.000 tỷ này. Lúc đó thực sự quá khó khăn. Có những gia đình, cả hai vợ chồng đều không còn đủ tiền để ăn ba bữa một ngày, chỉ ăn một bữa nhờ ATM gạo.
Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có những đánh giá về việc hỗ trợ và liên tục có sự đối thoại với địa phương để điều chỉnh các điều kiện để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được nhiều hơn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lao động cần có sự bền bỉ, không chỉ với cuộc khủng hoảng này. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho chúng ta thấy rõ hơn về sức bền của cơ chế chính sách hỗ trợ của chúng ta đến đâu.
Chúng tôi thấy rằng, kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng này, cũng như rất nhiều cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy, an sinh xã hội là điều cực kỳ quan trọng để bảo vệ người lao động ngay lập tức khi khủng hoảng xảy ra. Vì bất kỳ gói hỗ trợ nào cũng có độ trễ, và độ trễ này có thể ảnh hưởng rất lớn để sinh kế của người dân. Do đó, để phòng ngừa các cuộc khủng hoảng trong tương lai, chúng ta cần tập trung vào an sinh xã hội trước tiên.
Quan trọng thứ hai là cần hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, vì họ chính là đối tượng có tác động trực tiếp và quan trọng nhất đến khả năng duy trì việc làm, thu nhập và sinh kế của lao động.
Với gói hỗ trợ lần hai đang được thảo luận, cần lưu ý điều gì để việc thực thi hiệu quả hơn gói lần một?
Tôi cho rằng, tất cả đã cứu trợ, kể cả với người lao động hay doanh nghiệp đều không thể cào bằng. Rõ ràng, có những doanh nghiệp còn có lợi nhuận cao hơn năm trước, trong khi có những doanh nghiệp rất khó khăn, phá sản. Có những lao động vẫn tăng ca đều. Có những người lại chỉ nhận lương tối thiểu, mà thậm chí là một nửa lương tối thiểu.
Như vậy, tất cả các gói cứu trợ không nên cào bằng mà nên có sự khảo sát kỹ lưỡng, tìm cách liên hệ với chính quyền, các tổ chức xã hội ở địa phương để nắm bắt được nhóm nào là nhóm khó khăn nhất. Cũng thông qua các kênh này, chúng ta có thể đưa được sự hỗ trợ đến những người cần nhất.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Theo Trí Thức Trẻ
Link gốc: tại đây.
==========================
CÁC KHÓA ĐÀO TẠO KHAI GIẢNG TRONG THÁNG 11
Khóa Nghiệp vụ Logistics và Xuất nhập khẩu
ð Link đăng kí: https://bit.ly/2Srkp2M
Khóa Quản trị Mua hàng (Procurement Management)
ð Link đăng kí: https://bitly.com.vn/WhvQg
Khóa Sale Logistics
ð Link đăng kí: https://bom.to/z6b4q07