VẬN TẢI BIỂN LO SỤT GIẢM SẢN LƯỢNG DO CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG
Căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua đang khiến các hãng vận tải như ngồi trên đống lửa...
Ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng đại diện hãng tàu T.S Lines tại Hải Phòng cho biết, căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua đang khiến các hãng vận tải như ngồi trên đống lửa vì tất cả các biến động chính trị đều ảnh hưởng đến kinh tế và việc giao lưu hàng hóa giữa các nước với nhau, sản lượng hàng hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn.
“Sản lượng hàng hóa của doanh nghiệp dựa chủ yếu vào xuất nhập khẩu (XNK), khi xảy ra biến động chính sự lớn, nhất là vấn đề ngoại giao giữa hai nước, các hợp đồng mua bán thường xuyên sẽ bị dừng trong một khoảng thời gian nhất định do chủ hàng lo ngại biến động chính trị ảnh hưởng đến thanh toán tài chính với khách hàng. Vì vậy, để giữ an toàn đồng vốn của mình, họ sẽ tạm ngưng giao dịch và các bên vận tải bị ảnh hưởng là điều khó tránh”, ông Mạnh nói.
“T.S Lines, Maersk Line, Giang Minh hiện liên kết 8 tàu chạy tuyến Hải Phòng đi Trung Quốc, Hồng Kông, bình thường khá nhiều hàng. Nhưng từ khi căng thẳng ở Biển Đông, lượng hàng container giảm đi trông thấy, ước giảm 10%. Riêng T.S Lines, vừa qua có tăng cỡ tàu để sử dụng cảng Lạch Huyện, nhưng sản lượng hàng hóa giảm do biến động nên kế hoạch đang không được như ý”, ông Mạnh nói và cho hay, dự kiến, số lượng container một chuyến khoảng 300 - 400 container, nhưng 3 - 4 chuyến vừa rồi, lớn nhất chỉ khoảng 200 container/chuyến, còn lại hầu hết là dưới 100 container. Nếu tình hình này kéo dài, lượng hàng giảm sâu, DN hoặc phải cắt giảm tần suất khai thác tuyến dịch vụ hoặc phải giảm cỡ tàu để vận chuyển”, ông Mạnh cho hay.
Cũng theo ông Mạnh, khi tình hình chính trị biến động, các hãng bảo hiểm về tàu biển và chủ tàu chắc chắn sẽ tính chuyện tăng phí bảo hiểm rủi ro cũng giống như thời điểm đi qua các khu vực Trung Đông. Phí bảo hiểm này khi tăng sẽ được tính thêm vào các hợp đồng đối với các bên thuê tàu.
Về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân trong vùng biển Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tàu biển nước ngoài (bao gồm cả tàu biển Trung Quốc) đến vùng biển Việt Nam để tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, đánh bắt... phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, chấp thuận mới được thực hiện. Mọi hành vi vi phạm các quy định của Luật Biển Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đều bị xử lý theo quy định.
Đối với các tàu biển Việt Nam và nước ngoài hoạt động thương mại đến, rời cảng và hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, hiện nay vẫn đang diễn ra bình thường, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân cấp tàu (tàu hạn chế 1,2,3 hoặc không hạn chế, tương ứng với vùng hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 200, 50, 20 hải lý hoặc trên mọi vùng biển) và chịu sự quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam theo quy định, bao gồm các lực lượng: Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quân, Hải quan, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa...
Ông Thu nhận định, về thương mại, Trung Quốc là một thị trường lớn, chuyện căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa vận chuyển, nhưng khả năng cao sự ảnh hưởng sẽ tác động nhiều đến thị trường tiểu ngạch trong thời gian nhất định.
“Tuy vậy, dù sức ảnh hưởng như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể vì lo lắng thương mại mà đánh mất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế công nhận từ bao đời nay. Bên cạnh đó, khẳng định một lần nữa quyền hoạt động của đội tàu biển Việt Nam được phép hành hải, lưu thông phù hợp với quy định, luôn luôn được pháp luật Việt Nam và quốc tế ủng hộ”, ông Thu nói.
Theo Báo Giao Thông