Thương vụ mua lại VinCommerce khiến CTCP Tập đoàn Masan phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD, những người tin tưởng nhất vào Masan cũng trở nên lung lay, nhưng tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan nhìn nhận: Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách.
"Tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại", tỷ phú Quang khẳng định. Đây cũng là điều CEO Masan Danny Le nhiều lần lặp lại khi chia sẻ tại ĐHCĐ mới đây.
Vừa là đơn vị sản xuất ngành hàng tiêu dùng - thực phẩm, vừa sở hữu chuỗi bán lẻ lớn bậc nhất Việt Nam, Masan sẽ đi theo cách đánh mạnh vào mảng bán lẻ trực tiếp (offline), rồi mới từ đó lấn sang mảng trực tuyến (online). Ông Quang gọi đây là mô hình O2O.
O2O, với nhiều bên là đi theo kiểu Online to Offline, nhưng với Masan, sẽ đi từ Offline to Online. Vì sao vậy?
Để giải thích câu chuyện này, ông Quang chia sẻ 2 điều:
Điều thứ nhất, mặc dù tất cả người tiêu dùng ở Việt Nam đều rất phấn khích với cơ hội mua bán hàng trên mạng, thực tế thì 99% nhu cầu mua sắm tiêu dùng vẫn được thực hiện tại các cửa hàng tạp hóa bán lẻ.
"Vậy, ưu tiên của chúng ta là phục vụ theo cách người tiêu dùng đang lựa chọn", tỷ phú Quang nói.
"Điều thứ 2, nghe thì rất vui, nhưng thực tế là mua một chai nước mắm trên mạng đắt hơn là ra tiệm tạp hóa gần nhà. Vậy chúng ta hãy chọn nơi để phục vụ mà đối với người tiêu dùng là cách tiết kiệm nhất".
Thương mại điện tử Việt Nam đang ở đâu?
Một thị trường thương mại điện tử (Ecommerce) sẽ trải qua 3 giai đoạn phát triển, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc khu vực phía bắc - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - chia sẻ tại một sự kiện về thương mại điện tử thường niên.
- Giai đoạn 0 - mới nổi: Người mua sẽ chỉ tập trung vào giá cả, khuyến mại, với nhóm ngành hàng được giao dịch chủ đạo là sách, du lịch, điện tử.
- Giai đoạn 1 - Phát triển: Người mua nhìn vào nhiều hơn mức độ thuận tiện, vấn đề giao hàng, dễ dàng thanh toán. Ở giai đoạn này, nhóm hàng được giao dịch nhiều nhất là đồ trẻ em, chăm sóc cá nhân/Hộ gia đình, và thời trang.
- Giai đoạn 2 - Chín muồi: Nhóm hàng mua chủ đạo là Thực phẩm, và người mua coi trọng nhiều vào trải nghiệm.
"Câu chuyện ngày mai người tiêu dùng mua nông sản, thực phẩm trên mạng, tôi nghĩ sẽ chưa xảy ra ngay", Chủ tịch Masan nhận định.
Tuy nhiên, xã hội sẽ phát triển, công nghệ và con người cũng dần dần phát triển. Và khi ấy, Masan sẽ phát triển lên theo đúng nhu cầu phát triển của người tiêu dùng.
"Chúng ta sẽ từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để có thể phục vụ người tiêu dùng ở đâu, khi nào, cách nào, mà họ lựa chọn một cách tốt nhất. Và như một tổ chức kinh doanh, chúng ta cũng phải tìm ra mô hình để thực hiện điều đấy theo cách có lợi nhuận. Đấy là tiêu chí vàng xuyên suốt trong mô hình kinh doanh của Masan", ông Quang nói.
Nói về câu chuyện tương lai, tỷ phú Quang cho rằng không ai đoán được ngày mai, nhưng chúng ta có thể, nhưng chúng ta có thể tự tay xây dựng ngày mai cho chính mình.
"Đấy là cách chúng ta nhận thức, suy nghĩ và hành động. Trong một buổi phỏng vấn của ông Elon Musk nói về xe hơi tương lai sẽ như thế nào. Câu trả lời cũng rất thú vị: ‘Nếu 20 năm nữa bạn nhìn thấy người lái xe hơi, cũng giống như hôm nay bạn nhìn người cưỡi ngựa đi trên đường’".
"Không phải tất cả chúng ta đều tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra ngày mai, nhưng chúng ta toàn quyền tìm cách để xây dựng ngày mai đó cho chúng ta", ông Quang nói.
Không phải Amazon hay Alibaba, WalMart mới là nhà vô địch về Grocery Online
Chủ tịch HĐQT Masan cho biết phần lớn trên thế giới không tin một ông làm truyền thống có thể trở thành người làm công nghệ, mà thường thấy điều ngược lại, như Amazon, Alibaba đã thay đổi cách mua sắm như thế nào.
"Nhưng không phải Amazon, Alibaba là nhà vô địch về kinh doanh online của ngành hàng Grocery (nhu yếu phẩm). WalMart mới là người đứng đầu về Grocery Online. Bởi để làm điều đấy, bạn phải hiểu khách hàng, chứ không chỉ đơn giản là đưa bánh mỳ, hộp sữa lên trên market place rồi nói "Tôi có kinh doanh online"".
"So với năm ngoái, WalMart đã đi một bước tiếp, khi mời về 2 bankers của Goldman Sach để hiểu hơn cách phục vụ các sản phẩm tài chính tại các điểm offline của mình. Sự phát triển, tiến hóa của xã hội luôn đến từ học hỏi và cạnh tranh, thử và đúc kết", ông Quang nói.
Chia sẻ với các cổ đông, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đúc kết: Cơ hội đủ cho tất cả chúng ta, nếu chúng ta có đam mê, trí tuệ và dám làm với một mục tiêu rõ ràng.
Nguồn: https://cafebiz.vn/
--------------------------------------------------------------------------