0353.380.835

Thủ tướng gỡ vướng cho cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước

24/03/2021

Thủ tướng nhất trí việc nghiên cứu lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép, nghiên cứu đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc- Nam...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Là cảng nước sâu nhưng mà giao thông không được giải quyết thì không cách nào phát triển xứng tầm khu vực, quốc tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.


Sáng nay, 20/3, sau khi kiểm tra cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải lớn nhất cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có bàn về những định hướng cho phát triển cảng biển nói chung và cảng Cái Mép nói riêng trong thời gian tới.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Vướng hạ tầng

Bà Rịa Vũng Tàu được xác định là cửa ngõ vươn ra biển lớn của khu vực Đông Nam Bộ (là khu vực đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp đến 33% GDP của cả nước) và của Việt Nam, hội nhập trực tiếp với các tuyến biển xa xuyên đại dương.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã xác định Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn. Từ hai cảng biển này đã hình thành hành lang kinh tế quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước (Hà Nội và TPHCM) và kết nối quốc tế với Trung Quốc, Campuchia.

Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020 cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu khối lượng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó đã nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và của Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng còn có những hạn chế, yếu kém nhất định như: Tầm nhìn chưa theo kịp xu thế phát triển hàng hải quốc tế; kết nối yếu và thiếu về năng lực (gồm cả về hạ tầng kết nối phần cứng - hạ tầng giao thông, hạ tầng logistisc như cảng cạn, depot và phần mềm- dịch vụ hải quan, kiểm dịch…); thiếu các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy kinh tế hàng hải, thúc đẩy trung chuyển và thu hút nguồn lực...

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định sẽ tiếp tục tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột là công nghiệp, hệ thống cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó vấn đề khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối với TPHCM, tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác trong Vùng Đông Nam Bộ được coi là vấn đề then chốt trong giai đoạn tới.

Lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, yêu cầu đầu tư hạ tầng kết nối cảng với các trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là vấn đề cần tiếp tục đặc biệt quan tâm. Từ Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Tây Nam Bộ chỉ có duy nhất tuyến đường bộ Quốc lộ 51, dẫn đến tình trạng thường xuyên quá tải.

Để phát huy được vai trò hệ thống cảng nước sâu khu vực Cái Mép - Thị Vải, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao hiệu quả tăng trưởng chung của toàn vùng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.

Một số ý kiến tại cuộc làm việc cũng đề xuất việc nạo vét luồng sông, tăng độ sâu để đón tàu lớn hơn, tiếp tục triển khai đồng bộ hạ tầng kết nối giao thông đến cụm cảng nước sâu, kết nối đường bộ với hệ thống đường cao tốc, cầu Phước An; mong muốn có sớm có đường sắt kết nối khu Cảng vào đường sắt quốc gia, trong đó có vấn đề là hàng hóa tại Cái Mép phải di chuyển vào TPHCM làm thủ tục hải quan còn quá nhiều (hiện hơn 90%), gây tăng chi phí logistics…

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng hàng không Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ xác định tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, trong đó có cụm cảng này. Hiện luồng vào cảng có độ sâu -14,5m, có thể đón tàu 100.000 tấn, để cạnh tranh khu vực, Bộ ủng hộ việc nạo vét để đạt độ sâu tối thiểu -15,5m.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch đến năm 2030, huyện Côn Đảo đón 300 ngàn lượt khách; tuy nhiên, năm 2019 huyện Côn Đảo đã đón gần 397 ngàn lượt khách, vượt dự báo đến năm 2030 của quy hoạch đã được phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh cho rằng, cần thiết phải đầu tư hạ tầng trên địa bàn huyện Côn Đảo, nhất là cấp điện.

Về vấn đề cấp điện cho Côn Đảo, một trong những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam với di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã tính toán phương án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây 110KV, đi ngầm dưới biển. Tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng.

Ảnh: VGP.

Nhất trí nạo vét luồng hàng hải đạt độ sâu -15,5m

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phát triển là nhờ có cảng. Thời gian qua, tăng trưởng của các cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu rất đáng mừng, khoảng 20%/năm.

Cho rằng cần có điều kiện đủ để phát triển cảng là hạ tầng kết nối giao thông, thủ tục hải quan, đội tàu đủ mạnh và phương thức giải tỏa hàng hóa, Thủ tướng nhất trí với Bộ GTVT ưu tiên nạo vét đoạn luồng từ phao số 0 đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu đến -15,5m cho tàu lớn ra vào thuận tiện. Tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối, đặc biệt với đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch hệ thống bến bãi gom hàng, cảng cạn, thực hiện dịch vụ logistic.

Thủ tướng ủng hộ đề xuất sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hoàn thành xây dựng cảng Phước An đã được ghi vốn, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đến cảng này. "Nếu chỉ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, là cảng nước sâu nhưng mà giao thông không được giải quyết thì không cách nào phát triển xứng tầm khu vực, quốc tế". Các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc- Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền đến Cái Mép - Thị Vải.

Nghiên cứu đầu tư hạ tầng logistics, ưu tiên trung tâm logistics Cái Mép Hạ để thúc đẩy dịch vụ cảng tại Cái Mép. Nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải nhằm kết hợp vận tải giữa hàng không và đường thủy.

Để thông quan nhanh chóng, thuận lợi đối với khu vực này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ để kịp thời thông quan hàng hóa.

Quy hoạch thị xã Phú Mỹ, hay thành phố Vũng Tàu cần lưu ý đưa yếu tố những nơi này sẽ trở thành nơi đặt trụ sở của hệ thống các đại lý vận tải biển, các nhà khai thác, trung chuyển cấp, các đại lý bảo hiểm, dịch vụ tài chính ngân hàng tạo nền tảng kết nối giữa cảng biển và các chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ.

Cho rằng phát triển công nghiệp để tạo nguồn hàng tại chỗ rất quan trọng, Thủ tướng nhất trí việc nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép để các tập đoàn chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về đây nhằm tận dụng lợi thế cảng nước sâu.




"Chúng ta xác định đây là một cảng nước sâu có tiềm lực lớn của một trong những cảng hàng đầu thế giới, chúng ta phải có tư duy mới trong phát triển", Thủ tướng nói, giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung cao độ và mọi biện pháp phát triển nhanh hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, khả năng cạnh tranh cao hơn nữa để phát triển hệ thống cảng biển và logistic tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trước hết là Cái Mép - Thị Vải ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045. "Năm 2045, chúng ta xác định tầm nhìn một Việt Nam hùng cường thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển và logistic ở đây đóng vai trò, vị trí rất quan trọng".

Với mục tiêu đó, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần được khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý khai thác cảng biển, đánh thức những tiềm năng sẵn có của nước ta với hơn 3000 km đường bờ biển.

Hoàn thiện kết nối vận tải đa phương thức, trong đó cảng biển làm đầu mối để bảo đảm khơi thông các nút thắt cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ưu tiên hạ tầng giao thông có tính chất động lực kết nối các trung tâm sản xuất tiêu thụ đến cảng biển.

Có cơ chế chính sách đột phá cho phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là khai thác cảng biển. Ưu tiên đề xuất mô hình quản lý cảng, để thu hút nguồn lực và thúc đẩy trung chuyển quốc tế.

Nghiên cứu chính sách về vận tải, phát triển đội tàu biển Việt Nam để chủ động trong việc vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phát triển cảng theo chiều sâu, đẩy mạnh việc đầu tư cảng xanh, cảng thông minh, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đất, phát triển cảng lớn với tính chất tập trung để định hướng cho phát triển hạ tầng giao thông kết nối. "Đừng để cảng biển Việt Nam lạc hậu".

Nhất trí chủ trương, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đề xuất phương án cụ thể về cấp điện cho Côn Đảo.

Nguồn: dantri.com.vn


Khai giảng khóa học nghiệp vụ XNK thực tế hàng tháng. Học phí CỰC KỲ ƯU ĐÃI 3,000,000 VNĐ cho 14 buổi học cùng 7 giảng viên:

Sinh viên đăng ký giảm 30% chỉ còn : 2.100.000 VNĐ.
Người đi làm đăng ký giảm 20% chỉ còn : 2.400.000 VNĐ.
Đăng ký nhóm 2 người giảm ngay 100.000 VNĐ.