(VLR) Đông Âu là thị trường truyền thống, quan trọng của Việt Nam. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu đạt 10,1 tỷ USD. Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng xuất khẩu tại thị trường này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực, tổ chức thường xuyên các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hơn nữa.
Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Đông Âu - Ảnh: VGP/Lê Anh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết như vậy tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu, diễn ra ngày 8/5 tại TP. HCM
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương, bao gồm: 14 Ủy ban liên Chính phủ, một cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Ba Lan và 1 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
Kể từ khi có hiệu lực từ năm 2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, đã mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho các bên tham gia. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu đạt 10,1 tỷ USD, tức là chỉ chiếm 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa các bên.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng là rất đáng mừng (tăng 30,53% so với năm trước đó), trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (tăng 28,67%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng gần 33,97%).
Theo đánh giá của Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), thị trường các nước khu vực Đông Âu còn nhiều tiềm năng, các mặt hàng tiêu dùng ở đây không có nhiều các tiêu chuẩn khắt khe nhưng các nước Tây Âu.
Theo thống kê, với thị trường trọng điểm Liên bang Nga, trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Liên bang Nga đạt 1,13 tỷ USD, tăng 10,65 % so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 680,9 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2018; riêng với dệt may, xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 136 triệu USD, tăng trưởng ở mức 13%/ năm.
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường Đông Âu vẫn tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, hiện việc tiếp cận thị trường Đông Âu đang gặp phải nhiều vướng mắc trong thanh toán, DN không được thông suốt về thông tin thị trường vì vậy đơn hàng còn nhỏ, doanh thu còn khiêm tốn, trong khi đó chi phí vận chuyển cao do khoảng cách xa…
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam cho biết, trước đây ngành da giày đã xuất khẩu vào Đông Âu nhưng trong một khoảng thời gian dài đã bỏ trống thị trường này để tập trung nhiều vào EU, Mỹ. Do vậy khi quay lại gặp trở ngại trong cách thanh toán cũng như văn hóa kinh doanh.
Từ các khó khăn trên, các DN đề xuất cần có những cuộc xúc tiến thương mại, kết nối trực tiếp giữa DN Việt Nam và các DN thị trường Đông Âu để DN Việt biết thị trường này cần những sản phẩm gì, cụ thể ra sao và qua đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp… Ngoài ra, Bộ Công Thương cần hỗ trợ xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, theo từng nhóm lĩnh vực ngành hàng để DN hiểu cụ thể.