0353.380.835

SỰ CẤP THIẾT VỀ CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

05/05/2019

SỰ CẤP THIẾT VỀ CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 40% vào giá trị sản xuất nông nghiệp của quốc gia, với hơn 50% sản lượng gạo, 90% gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% trái cây. Tuy nhiên, giá trị nông sản tại khu vực này tăng hay giảm lại đang phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng lạnh.

Thách thức cho logistics ngành nông thủy sản
ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế quốc dân. Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng ĐBSCL lại có các chỉ số sản xuất kinh doanh kém hiệu quả hơn so với cả nước, đặc biệt là khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Một trong những nguyên nhân là do vùng chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, trong đó yêu cầu về
chuỗi cung ứng lạnh đang rất cấp bách đối với chuỗi giá trị nông thủy sản của khu vực này. Để giúp tăng thu nhập của nông dân và tăng giá trị sản phẩm cho nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL cần phải đẩy mạnh kết nối vận chuyển đa phương thức. Duy trì hệ thống giao thông thuận tiện là một nhiệm vụ quan trọng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển dòng sản phẩm tươi sống một cách kịp thời.

Kết nối logistics ĐBSCL hiện còn nhiều yếu kém. Hệ thống cảng còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, ít cảng container chuyên dùng, chưa phát huy được lợi thế về giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, việc vận hành và kết nối thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các phương thức vận tải trong nội vùng ĐBSCL và giữa vùng với thị trường xuất khẩu. Trong đó, việc thiếu trung tâm logistics, chuỗi cung ứng lạnh tiếp tục gián đoạn chuỗi giá trị nông sản của khu vực nhiều tiềm năng này.

Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng vùng ĐBSCL vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận. Bởi theo Quyết định này, tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ có một Trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30ha đến năm 2020 và trên 70ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và TP. Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang. Từ đó kết nối các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang). Ngành logistics vẫn đang kỳ vọng những trung tâm logistics trong tương lai sẽ được hoàn thành, giảm chi phí logistics cho vùng ĐBSCL.

Sự cấp thiết về chuỗi cung ứng lạnh
Chi phí logistics tại ĐBSCL cao vì phần lớn người làm dịch vụ nhỏ lẻ, tự phát và thiếu các kho bãi để đáp ứng trữ hàng, xử lý nguyên liệu, bảo quản... Hạ tầng cảng và phương tiện còn thô sơ, kém hiện đại. Từ đó giá nông sản của khu vực này gặp nhiều khó khăn cạnh tranh trên thị trường.

Hình thành, mở rộng chuỗi lạnh là một trong những thách thức lớn để vận hành ngành logistics, đặc biệt với nông sản tại khu vực ĐBSCL. Một chuỗi cung ứng lạnh cho thực phẩm dễ hỏng đòi hỏi việc xử lý sản phẩm không bị gián đoạn trong môi trường nhiệt độ phù hợp trong các bước sau thu hoạch bao gồm: thu hoạch, thu thập, đóng gói, xử lý, lưu trữ, vận chuyển và tiếp thị cho đến tay của người tiêu dùng. Các phân đoạn chính của chuỗi lạnh tích hợp, bao gồm: đóng gói và làm mát các sản phẩm thực phẩm tươi sống; chế biến thực phẩm; kho lạnh (kho ngắn hoặc dài hạn của thực phẩm ướp lạnh hoặc đông lạnh); phân phối (vận chuyển lạnh và nhập kho tạm thời trong điều kiện kiểm soát nhiệt độ); tiếp thị (lưu trữ trong tủ lạnh hoặc tủ đông và trưng bày tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ và hoạt động dịch vụ thực phẩm). Chuỗi cung ứng lạnh cũng là lập kế hoạch, quản lý tương tác và chuyển tiếp giữa năm phân khúc này, để giữ thực phẩm ở nhiệt độ tối ưu, duy trì chất lượng, an toàn thực phẩm và phòng ngừa thiệt hại kinh tế, tăng giá trị nông sản của khu vực và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Để có được chuỗi cung ứng lạnh như thế này, Chính phủ, Bộ, ngành phải chung tay vì mục tiêu phát triển logistics nông nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi cung ứng lạnh vững mạnh tại khu vực ĐBSCL.

Như vậy, đảm bảo hàng hóa không bị hư hỏng ngành thực phẩm đang ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh. Công ty Cổ phần Tư vấn Portcoast tính toán rằng nếu khu vực này giảm 1% chi phí hậu cần mỗi năm, nó có thể tiết kiệm khoảng 2.000 tỷ đồng (87 triệu USD). Chưa kể, nếu chuỗi cung ứng lạnh được hình thành, có lẽ không chỉ dừng lại ở con số đó mà điệp khúc “được mùa mất giá” tại khu vực này sẽ không còn là nỗi lo của người nông dân và niềm tự hào về nông sản Việt Nam sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

MÔ HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH TIÊU BIỂU

Theo báo cáo của Emerson Climate Technologies Ấn Độ, mỗi năm sản phẩm tươi trị giá 133 tỷ USD bị vứt đi vì nước này thiếu chuỗi cung ứng lạnh và phương tiện vận chuyển. Để thúc đẩy lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh, Ấn Độ - đất nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 thế giới, đã hình thành Trung tâm phát triển chuỗi lạnh quốc gia (NCCD) vào năm 2011 với 135 dự án chuỗi lạnh, 40 công viên thực phẩm lớn, NCCD được thành lập để thúc đẩy và phát triển chuỗi lạnh tích hợp ở Ấn Độ cho các sản phẩm nông nghiệp tại đất nước này. Mục tiêu chính của trung tâm là đề xuất các tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng chuỗi lạnh, đề xuất các hướng phát triển nguồn nhân lực và khung chính sách phù hợp để phát triển chuỗi lạnh. Ấn Độ có 6.300 cơ sở lưu trữ lạnh trải đều trên cả nước, đã được lắp đặt công suất 30,11 triệu tấn. NCCD là đại diện của các bên liên quan như: Các cơ quan Chính phủ từ các Bộ khác nhau chịu trách nhiệm thực hiện các đề án liên quan đến phát triển NCCD, công nghiệp, Hiệp hội CII và FICCI, Nhà cung cấp dịch vụ, Tổ chức chuyên gia, Hiệp hội người trồng... tư vấn, chứng nhận kho lạnh và xếp hạng kho, Chương trình R & D và Phát triển nguồn nhân lực ứng dụng để đáp ứng yêu cầu về sức mạnh nhân lực của ngành chuỗi lạnh trong nước. NCCD tư vấn cho Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi lạnh tích hợp trong nước. Kết quả là, ngành nông nghiệp Ấn Độ đã chứng kiến một sự tăng trưởng cải thiện về tốc độ tăng trưởng trong những thời gian vừa qua. Điều này chắc chắn sẽ giúp giảm tổn thất sau thu hoạch của nông sản dễ hỏng và đảm bảo tính sẵn có ổn định của sản phẩm do đó đảm bảo giá nông sản cho nông dân sản xuất và rau quả tươi cho người tiêu dùng với giá phải chăng.

Theo Nguyễn Hoàng Ngân/VLR


Khai giảng khóa học nghiệp vụ XNK thực tế hàng tháng. Học phí CỰC KỲ ƯU ĐÃI 3,000,000 VNĐ cho 14 buổi học cùng 7 giảng viên:

Sinh viên đăng ký giảm 30% chỉ còn : 2.100.000 VNĐ.
Người đi làm đăng ký giảm 20% chỉ còn : 2.400.000 VNĐ.
Đăng ký nhóm 2 người giảm ngay 100.000 VNĐ.