"Ngày 20/5/2019, Google thông báo chấm dứt hợp tác với Huawei trong việc hỗ trợ hệ điều hành Android, Huawei đáp lại chỉ sau vài tiếng đồng hồ bằng hệ điều hành Hồng Mộng của mình phát triển trước đó 7 năm, được đánh giá là có khả năng bảo mật tốt và tương thích cao hơn với phần cứng Huawei.
Chiến tranh thương mại đang bắt đầu chuyển sang chiến trường công nghệ, chỉ số NASDAQ rơi đỏ sàn khi các nhà đầu tư tin rằng sắp tái diễn một sự kiện cách đây 9 năm khi Google doạ rút khỏi Trung Quốc nếu không chấm dứt kiểm duyệt để gây sức ép, Bắc Kinh khi đó đáp lại bằng chủ động lót tay lá chuối mời ông lớn này ra khỏi đất nước và phát triển hệ thống tìm kiếm Baidu riêng vốn phù hợp hơn với người dùng nội địa khiến Google đau hơn hoạn tự nhiên mất đi thị trường lớn nhất thế giới của mình vì sĩ diện.
Ai từng tìm kiếm bằng tiếng Trung trên Baidu sẽ hiểu rằng kể cả có thả cho Google vào lần nữa, nó không bao giờ còn một chút ưu thế để cạnh tranh với Baidu tại Trung Hoa sau 9 năm lạc nhịp. Google là bài học kinh doanh cho các công ty công nghệ, nhưng Trung Quốc mới là bài học cho các nước về chủ quyền quốc gia. Phụ thuộc vào các tập đoàn toàn cầu thì đất nước sớm hay muộn sẽ trở thành con tin của họ.
Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ không thể công phá, ốc đảo 1,5 tỉ người bản thân đã là một thế giới riêng đủ lớn cho các tập đoàn nội địa. Lượng thực sự đã chuyển thành chất, thị trường lớn đảm bảo cho Trung Quốc phát triển những dự án tham vọng và hoang đường nhất mà không quốc gia nào dám thử nghiệm, và khi nó đủ phổ biến khắp mọi nơi, họ sẽ xuất khẩu chúng ra thế giới.
Một đỉnh cao trong đó chính là thanh toán điện tử. Trung Quốc là một quốc gia gần như không còn tiền mặt, hệ thống thanh toán điện tử của Trung Quốc có quy mô gấp khoảng 55-60 của Mỹ. Điều này giúp Trung Quốc nắm rõ các giao dịch thanh toán để thu thuế và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính quốc gia.
Với khả năng dự phóng chính xác thu chi ngân sách, tiêu dùng, tín dụng nhờ thanh toán điện tử phổ cập toàn quốc từ tỉ phú đến ăn xin, nhiều chuyên gia tin rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc cơ bản sẽ không bao giờ gặp khủng hoảng về thanh khoản.
Alipay, Wechat Pay là những ứng dụng thanh toán điện tử hàng đầu ở Trung Quốc, đồng thời là những tấm khiên cho an ninh quốc gia. Tất nhiên một ứng dụng thanh toán điện tử không phải tự nó sinh ra, mà dựa trên những nền tảng ứng dụng cũ của nhà phát triển có lượng người dùng cực lớn, như AliPay vốn ban đầu được sử dụng bởi hàng trăm triệu người dùng Alibaba, hay WeChat Pay bắt đầu các người dùng dịch vụ của Tencent như mạng xã hội Wechat, từ đó phát triển dần lên tạo thành hệ sinh thái bền vững.
Tất cả các quốc gia đều phải tự chủ hệ thống thanh toán điện tử của mình để đảm bảo an ninh, khi Amex bị khủng hoảng trong vụ lừa đảo dầu salad năm 1963, chính phủ Mỹ đã phải hỗ trợ khẩn cấp để đảm bảo nó không bị phá sản hay sáp nhập, gây rủi ro trong việc để mất kho dữ liệu tài chính của hàng trăm triệu người dân cùng các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng có khá nhiều công ty tham gia vào mảng fintech, các công ty công nghệ của Việt Nam không phải là kém cỏi, tuy nhiên việc thiếu một nền tảng ứng dụng nội địa đủ lớn và tập trung để fintech phát triển ăn theo chính là trở lực. Facebook chiếm hết thị phần mạng xã hội, và các trang thương mại điện tử khá phân tán, không có yếu tố quy mô để tận dụng sức mạnh Big Data để trở thành người khổng lồ như Alibaba hay Amazon, dù dân số của Việt Nam không phải là bé nhỏ.
Nhưng nguy cơ lớn hơn đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, một lần nữa phải nhắc lại, lĩnh vực thanh toán điện tử là một lĩnh vực liên quan mật thiết tới an ninh quốc gia, không để rơi vào tay ngoại quốc là một nguyên tắc bất thành văn để đảm bảo an ninh tài chính và tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, lĩnh vực này gần đây đang có dấu hiệu bị xâm nhập lén lút bởi các tập đoàn nước ngoài vô cùng lớn mạnh.
Grab - một ứng dụng với xuất phát ban đầu là đi nhờ xe, hiện đã bành trướng ra nhiều mảng khác như giao hàng, gọi đồ ăn, game và truyền thông. Gần đây với việc thành lập Grab Financial Group và mua cổ phần của Moca, Grab bắt đầu lấn sân lĩnh vực thanh toán điện tử.
Grab tuyên bố mình chỉ là hợp tác với Moca tuy nhiên theo thực tế Grab đang sử dụng trái phép giấy phép của MOCA, số dư tài khoản ngân hàng của người dùng MOCA không nằm ở ví MOCA, mà ở Grab. Nhiều người tin rằng Grab đã mua đứt Moca nhưng tuyên bố mình chỉ là một merchant lớn với hơn 3% cổ phần sở hữu.
Với tên gọi rất nhập nhằng “Grabpay by MOCA” có thể dùng để thanh toán các dịch vụ Grab như một ví riêng, đây bản chất là một ứng dụng độc lập khác hoàn toàn với MOCA nguyên thuỷ. Điều này vi phạm luật pháp Việt Nam, cụ thể là điều 4 của thông tư sửa đổi 39/2014/TT-NHNN của ngân hàng nhà nước.
Grab đang trên đà bành trướng trở thành một siêu ứng dụng, nhưng nó không chỉ lách luật, mà còn vi phạm luật hết lần này tới lần khác, không chỉ bóp chết các doanh nghiệp fintech nội địa mà còn tạo ra mối nguy mất chủ quyền và phụ thuộc. Dữ liệu là vàng của thế kỷ 21, và nói một cách văn hoa, thì chúng ta đã hai tay dâng không cho Grab cả mỏ Bồng Miêu.
Lợi ích người Việt ở đâu trong hệ sinh thái được tạo nên bởi một tập đoàn nước ngoài tuyên bố có 190.000 tài xế và 25% dân số Việt Nam là khách hàng, nhưng luôn từ chối thực hiện những nghĩa vụ cơ bản nhất đối với người lao động và cả nghĩa vụ thuế với ngân sách quốc gia? Vòi bạch tuộc đang vươn tới những lĩnh vực nhạy cảm hơn, và dường như chưa ai nhận diện được mối nguy đó cả.
Con ngựa thành Troy thế kỷ 21 không đến từ Hy Lạp, mà được tải miễn phí trên AppStore và CH Play. Không hề có Achilles, mà dường như chính người Việt chúng ta, mới là những kẻ đang tự tay ra mở cổng thành."
Chung Nguyen
Nguồn : fb VO QUE SON