Nông nghiệp, vận tải... lĩnh vực có nguy cơ cao
Được công bố trong hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” tại Hà Nội, báo cáo là một phần trong chương trình hợp tác phát triển Aus4Innovation do Chính phủ Úc tài trợ 10 triệu đô la Úc nhằm tăng cường các mối liên kết giữa hệ thống đổi mới sáng tạo của Úc và Việt Nam.
Tiến sĩ Lucy Cameron, tác giả chính của báo cáo đồng thời là tư vấn nghiên cứu cao cấp tại Data61|CSIRO, cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất
thế giới và đã trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á. Bà cho rằng làn sóng tiếp theo của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật và các dịch vụ dựa trên nền tảng và điện toán đám mây có tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu suất cao tiếp theo của châu Á. Việt Nam cần phải nắm bắt những cơ hội to lớn này, đồng thời cẩn trọng quản lý các rủi ro.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng có đến 28,9% việc làm tại Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bởi sự tác động của công nghệ số tính đến năm 2030 và 2045. Trong đó, nguy cơ cao nhất thuộc về các lĩnh vực như nông nghiệp, bán buôn - bán lẻ, vận tải, lưu trú, sản xuất - chế tạo...
Các công việc có nguy cơ bị thay thế tại Việt Nam.
ĐỒ HỌA: DATA61|CSIRO
Đào tạo kỹ năng thay vì đào tạo nghề
Khi đưa ra những hành động khả thi để xây dựng kỹ năng và năng lực số cho nền kinh tế số Việt Nam trong tương lai, báo cáo đề xuất nhiều ưu tiên liên quan đến giáo dục. Trong đó, khuyến cáo Việt Nam nên tập trung vào kỹ năng thay vì đào tạo nghề. Cụ thề, cần cung cấp chương trình giáo dục linh hoạt và khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng trong ngành kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là không dạy học định hướng nghề nghiệp, thay vào đó sẽ tập trung vào các năng lực có khả năng chuyển đổi (sử dụng ở nhiều ngành nghề).
Báo cáo cũng cho rằng cần đưa lập trình, phát triển ứng dụng, in 3D và robot vào trong các trường học và chương trình giảng dạy– xây dựng nền tảng trực tuyến tiếp cận các chương trình lập trình và các khóa đào tạo giáo viên. Đồng thời tập trung vào các kỹ năng sáng tạo và phát triển kinh doanh như làm việc nhóm, phát biểu, thuyết trình và truyền cảm hứng...
Báo cáo cũng chỉ ra rằng hiện nay tồn tại một khoảng cách giữa kiến thức, kỹ năng được giảng dạy ở các trường ĐH ở Việt Nam với các kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp và chính phủ. Vì vậy, cần thành lập các hội đồng hỗ trợ ngành để có sự kết nối giữa đào tạo trong nhà trường và nhu cầu thị trường lao động. Ngoài ra, cần xây dựng lộ trình phát triển cộng đồng lập trình viên để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực số mới. Sự chuẩn bị này sẽ giúp cho Việt Nam ít bị thiệt hại hơn, người lao động nằm trong nhóm công việc có nguy cơ bị thay thế cũng sẽ có sự linh hoạt hơn.
Nguồn: Báo Thanh Niên