(VLR) Các nước tham gia CPTPP cam kết xóa bỏ từ 97% đến 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định. Tận dụng tốt chính sách thuế sẽ là cơ hội cho các DN mở rộng xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên CPTPP.
Mặt hàng ô tô sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới
Cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế
Khi thực hiện CPTPP đã loại bỏ và cắt giảm thuế quan mạnh mẽ. Theo Hiệp định, các nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ từ 97% đến 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP (tùy theo cam kết của từng nước). Điều đó có nghĩa là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng cam kết. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan lên 86,5% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên trong vòng 3 năm.
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính cho biết, cam kết của Việt Nam về thuế NK trong CPTPP đó là xóa bỏ gần 100% số dòng thuế theo lộ trình: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2021); 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2029); các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan. Trong đó, mặt hàng ô tô sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Miễn thuế NK đối với hàng tạm nhập là các thiết bị chuyên ngành, bao gồm thiết bị dành cho báo chí và truyền hình, phần mềm, phát thanh, kỹ thuật điện ảnh cần thiết để một cá nhân được phép nhập cảnh tạm thời theo luật pháp của bên nhập khẩu triển khai hoạt động kinh doanh, thương mại và chuyên môn; hàng hóa trưng bày…
Như vậy, với CPTPP, xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng quan trọng (khoảng 70 mặt hàng), như: Than đá, than non, dầu thô, vàng, một số loại quặng, khoáng sản; nông sản gồm nhóm 12.11 cây và các bộ phận của cây dùng để chế biến dược phẩm, nước hoa (rễ nhân sâm, rễ cam thảo, trầm hương, kỳ nam...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu .
Để triển khai thực hiện cam kết về thuế XK, thuế NK của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Dự thảo Nghị định đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến rộng rãi. Các DN cần lưu ý nội dung chuyển tiếp, do Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Nghị định đưa ra quy định về xử lý thuế đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/1/2019 đến trước ngày Nghị định có hiệu lực. Theo đó nếu đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan Hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Cơ hội xuất khẩu cho DN
Nhận định về cơ hội XK sang các nước thành viên CPTPP, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNN cho rằng, với cam kết cắt giảm thuế của các nước thành viên sẽ là cơ hội XK cho các DN. Đối với mặt hàng thủy sản, Canada xóa bỏ ngay thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm chủ lực của Việt Nam bao gồm: Cá tra (tươi, ướp lạnh, phile, chế biến), tôm, cá hồi (tươi, ướp lạnh, phile, chế biến), cá ngừ, cá kiếm, cua, mực… Cùng với đó, các sản phẩm nông sản của Việt Nam được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết bao gồm: Gạo và sản phẩm chứa gạo, mỳ, miến, bột sắn, bột ngô; các sản phẩm nông sản chủ lực bao gồm: Cà phê, chè xanh, chè đen, tiêu, điều, rau hoa quả (hoa tươi, rau tươi và chế biến; quả nhiệt đới và sản phẩm chế biến), mật ong, đường.
Cùng với các mặt hàng thủy sản, hàng dệt may cũng có nhiều lợi thế vào thị trường Canada. Theo bà Trịnh Minh Hiền, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay, hai mặt hàng da giày và dệt may đang được DN tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi XK sang thị trường Canada. Nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, sản phẩm giày dép XK vào Canada sẽ được hưởng mức thuế 0% thay cho mức thuế 18%. Mặt hàng dệt may cũng được hưởng mức thuế giảm tương tự. Đây là hai mặt hàng được giảm thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực do vậy nhiều DN đã chủ động tìm hiểu về C/O để được hưởng ưu đãi thuế vào thị trường này.
Theo các cam kết của Nhật Bản tại CPTPP, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ... cũng được hưởng thuế suất 0%.
Nhật Bản đã chính thức bước vào top 10 thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, với lợi thế từ CPTPP, thị trường này đang trở thành thị trường tiềm năng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra. Trong đó, một số mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5-10,5% hiện tại. Như vậy, với thuận lợi từ 3 FTA với Nhật Bản, doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.