The Loadstar (Anh) đưa tin, theo một cuộc khảo sát mới, Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia đang dẫn đầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung so với Trung Quốc.
Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp Âu - Mỹ quan tâm
Qima, một công ty kiểm tra chất lượng và kiểm soát chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đã khảo sát 700 công ty có chuỗi cung ứng quốc tế trong quý đầu tiên và khẳng định, mặc dù nguồn cung ở Trung Quốc đang "phục hồi mạnh mẽ", song vẫn chưa trở lại mức trước Covid-19.
"Các khu vực có nguồn cung thay thế như Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có mức tăng trưởng bền vững", báo cáo viết. Điển hình như, mức độ phổ biến của thương hiệu Việt Nam đối với người mua phương Tây đã tăng vọt trong vài năm qua, dẫn đến trong quý 1/2021, số lượng thanh tra và kiểm toán chuỗi cung ứng tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về điều này, báo cáo nhấn mạnh: "Đây là quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng, cho thấy đợt phục hồi bắt đầu từ sau đợt giãn cách cuối giữa năm 2020". Đáng chú ý, nhu cầu kiểm tra đã tăng gấp đôi kể từ quý 1/2019, đồng thời 43% doanh nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ đã nêu tên Việt Nam trong số top 3 nguồn hàng của họ.
Ngoài ra, dư địa về nguồn cung tại Việt Nam vẫn còn nhiều và sẽ còn nhiều thay đổi trong cơ cấu vào năm 2021. "Khoảng 1/3 người mua trên toàn cầu và 38% tại Hoa Kỳ đề cập Việt Nam là một trong những quốc gia họ dự định mua hàng nhiều hơn trong năm nay".
Dữ liệu của Qima cho hay, quý đầu năm 2021, khu vực Đông Nam Á cũng hoạt động tốt với vai trò là nguồn cung thay thế. Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trong khu vực đạt mức tăng trưởng dương, được thúc đẩy bởi "sự quan tâm mới từ các thương hiệu Mỹ và châu Âu".
Tuần trước, The Loadstar cũng có bài viết về nhập khẩu vận chuyển container của Mỹ từ ASEAN đã tăng nhanh hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ đang chuẩn bị cho công cuộc phục hồi nguồn cung mạnh mẽ sau một năm khó khăn trước đó. Đặc biệt, 26% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng Ấn Độ là một trong ba điểm đến tìm nguồn cung ứng hàng đầu của họ, chứ không chỉ là trung tâm dệt may. Ngoài ra, 1/3 số doanh nghiệp trong các ngành giày dép, kính mắt, đồ trang sức và phụ kiện đều xếp Ấn Độ vào top 3.
Tại châu Âu, 1/3 thương hiệu lại nhận xét Thổ Nhĩ Kỳ là khu vực ưu tiên hàng đầu hiện nay nhờ vị trí địa lý.
Đối với Trung Quốc, xu hướng đa dạng hóa dài hạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang tiếp tục đưa ra những thách thức đối với vị thế thống trị của quốc gia này. "Mặc dù sản lượng tìm nguồn cung ứng của Trung Quốc trong quý đầu năm nay tăng vọt so với năm trước, hay nhu cầu thanh tra tăng lên 55%, điều này không đồng nghĩa với việc tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch", báo cáo kết luận.
Nguồn: http://vlr.vn/
-------------------------------------------------------------------
Khóa học Quản trị Mua hàng khai giảng vào tháng 05/2021