Ngóng chờ tăng giá xếp dỡ container
Theo dự thảo Thông tư mới, giá dịch vụ xếp dỡ container tại các cảng VN được điều chỉnh tăng khoảng 10%.
Đây là tín hiệu mong mỏi của các DN cảng khi giá xếp dỡ container của VN đang thấp nhất khu vực.
Giá dịch vụ xếp dỡ container thấp không chỉ hạn chế doanh thu của doanh nghiệp mà còn thiệt thòi cho nền kinh tế Hàng hải.
Cảng Tân Vũ (thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng) được xem là cảng nước sâu khi có khả năng đón nhiều tàu trọng tải lớn và thiết bị xếp dỡ thuộc loại hiện đại trong khu vực. Mặc dù được đánh giá là cảng có giá dịch vụ xếp dỡ container thuộc top cao của cảng biển khu vực Hải Phòng (từ tàu lên bãi cảng: 38 USD/container và 57 USD/container có hàng) thế nhưng, hiện giá xếp dỡ container của cảng Tân Vũ cũng chỉ nhỉnh hơn 2/3 mức giá xếp dỡ của cảng sông tại Campuchia (70 USD/container).
Nghịch lý tỷ đô
Điều đáng nói là mức phí xếp dỡ container của các cảng biển Việt Nam thấp nhất khu vực nhưng thực tế, các chủ hàng vẫn phải trả phụ phí xếp dỡ tại cảng - phí THC (Terminal Handling Charge) cho các chủ tàu ngang bằng các nước khác. Tức là mức giá xếp dỡ của các cảng biển trong nước chỉ tương đương 30 – 45% phí THC. Trong khi đó, các nước trong khu vực, tỷ lệ này trung bình khoảng 60 – 80%. Tóm lại, sự chênh lệch rất lớn từ mức thu của chủ hàng đến doanh nghiệp cảng đều chảy vào túi các hãng tàu.
Theo Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), các hãng tàu nước ngoài đang hưởng lợi hàng triệu USD từ việc thu phí điều hành bến bãi THC cao nhưng chỉ trả cho Việt Nam khoảng 30 – 45%. Với 25 triệu container thông qua cảng, trung bình mỗi container Việt Nam thất thu 40 USD/năm, tổng chung mất đi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm và tiền thuế mất 200 triệu USD. Có thể thấy giá dịch vụ xếp dỡ container thấp không chỉ hạn chế doanh thu của doanh nghiệp cảng gây khó khăn cho nguồn vốn tích lũy tái đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn gây thiệt thòi cho cả nền kinh tế hàng hải của Việt Nam. Bởi, phí xếp dỡ container chiếm 60 – 70 % doanh thu cảng biển.
Ông Nhữ Đình Thiện - Phó tổng thư ký VISABA cho biết, trong suốt 5 năm qua các hãng tàu đều tăng chi phí thu THC đối với chủ hàng , nhưng phí bốc dỡ tại cảng Việt Nam chưa được điều chỉnh, mặc dù có rất nhiều chi phí tăng. “Điều chỉnh giá xếp dỡ container hoàn toàn không ảnh hưởng đến chủ hàng Việt Nam nhưng nó sẽ tăng sức hút đầu tư vào các dự án cảng nước sâu tiềm năng khác của đất nước trong tương lai” – ông Thiện nhấn mạnh.
“Ngóng” Thông tư mới
Dù phải chịu thiệt thòi từ việc phí xếp dỡ thấp nhưng các doanh nghiệp cảng cũng chỉ biết cắng răng chịu đựng. Theo 1 doanh nghiệp cảng tại Hải Phòng, nếu giá bốc dỡ container không được điều chỉnh phù hợp bằng các văn bản pháp quy, các cảng Việt Nam sẽ không có cơ sở để đàm phán lại với các hãng tàu nước ngoài về tỷ lệ phân chia phí điều hành bến bãi. “Giá bốc dỡ container cần được điều chỉnh linh hoạt dựa trên các yếu tố hình thành giá và thực tế thị trường. Chúng tôi cho rằng, việc điều chỉnh giá cước bốc dỡ không ảnh hưởng tới giá cước vận chuyển, cũng như hàng hóa XNK của Việt Nam” – doanh nghiệp này cho biết.
Ông Lê Đỗ Mười – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá năm 2023, có hiệu lực ngày 01/7/2024. Theo đó, một số nội dung liên quan đến định giá dịch vụ tại cảng biển được bổ sung. Vì vậy, Thông tư 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 cũng cần phải được bổ sung cho phù hợp với Luật Giá mới.
Bộ GTVT đã có Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư thay thế Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 về ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ tàu lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Theo Dự thảo này, giá dịch vụ xếp dỡ sẽ được điều chỉnh khoảng 10%.
Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, việc điều chỉnh giá bốc dỡ container sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, làm cơ sở đàm phán cho các cảng Việt Nam khi làm việc với các hãng tàu nước ngoài nhằm thu lại một phần phụ phí điều hành bến bãi từ hãng tàu nước ngoài theo đúng giá thị trường, góp phần khẳng định năng lực xứng tầm của ngành khai thác cảng Việt Nam; Đồng thời không làm ảnh hưởng tới chi phí logistics quốc gia cũng như các doanh nghiệp XNK trong nước.
Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại việc tăng giá dịch vụ xếp dỡ container sẽ là lý do để các hãng tàu tăng phí THC làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhưng nhiều doanh nghiệp đánh giá, mức tăng giá xếp dỡ không làm ảnh hưởng đến các chủ hàng mà chỉ làm giảm bớt chênh lệch quá lớn mà các hãng tàu “đút túi” bấy lâu.
Việc điều chỉnh Thông tư 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018, các Hiệp hội cho rẳng Bộ GTVT cần đi sát thực tế, tránh thất thu ngân sách cũng như tạo điều kiện phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển xanh, bền vững và hiệu quả. Được biết, các doanh nghiệp cảng rất háo hức chờ đón Thông tư mới. “Ngoài việc tích lũy vốn để đầu tư cơ sở vật chất, việc điều chỉnh mức giá xếp dỡ sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp cảng” – một doanh nghiệp cho biết.
Nhat Minh - diendandoanhnghiep.vn