Xu hướng thương mại toàn cầu hiện nay, việc thương mại, giao dịch, mua bán toàn cầu trở nên dễ dàng và thuận tiện. Cùng với sự trao đổi, mua bán hàng hóa là vấn đề thanh toán. Khi làm lô hàng xuất nhập khẩu cả người mua và người bán đều phải thỏa thuận và lựa chọn phương thức thanh toán quốc tế phù hợp. Trên lí thuyết có rất nhiều cách thức thanh toán khác nhau, nhưng thực tế chỉ còn một vài phương thức thường xuyên được các bên áp dụng như: Điện chuyển tiền (T/T – Telegraphic Transfer), Tín dụng Chứng từ (L/C – Letter of Cerdit).
Trong bài viết này viện EDINS sẽ chia sẻ chi tiết hơn về thanh toán T/T là gì? Qui trình ra sao? và Ưu nhược điểm như thế nào? Các bạn cùng theo dõi nhé.
1. Thanh toán T/T là gì?
Thanh toán TT còn có tên gọi là chuyển tiền bằng điện (Tên tiếng anh: Telegraphic Transfer). Đây là phương thức thanh toán quốc tế, trong đó bên mua hàng yêu cầu ngân hàng chuyển một khoản tiền cho bên bán hàng bằng phương tiện chuyển tiền (điện Swift/telex).
Đây có lẽ là phương thức thanh toán mong muốn nhất của người bán vì họ không phải chịu sức ép về rủi ro phát sinh và có thể thu được tiền hàng ngay nếu sử dụng phương thức điện chuyển tiền, tuy nhiên, phương thức này gây nhiều khó khăn về dòng tiền và tăng rủi ro cho người mua cho nên thông thường họ ít khi chấp nhận trả tiền trước khi nhận được hàng, nhất là với những lô hàng giá trị lớn.
Các hình thức thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T:
► T/T in advance: thanh toán bằng điện chuyển tiền trả trước, nhà nhập khẩu thanh toán toàn bộ hoặc một phần cho nhà xuất khẩu trước khi nhận hàng.
► T/T at sight: thanh toán bằng điện chuyển tiền trả ngay, nhà nhập khẩu chuyển tiền ngay khi nhà xuất khẩu giao hàng, nhận bộ chứng từ và nhận hàng.
► T/T at X days: thanh toán bằng điện chuyển tiền trả sau, nhà nhập khẩu chuyển tiền sau một thời gian kể từ khi nhận bộ chứng từ và nhận hàng.
2. Qui trình thanh toán T/T
Quy trình thanh toán bằng T/T trả trước:
1. Người mua đến ngân hàng của người mua ra lệnh chuyển tiền để trả cho nhà xuất khẩu.
2. Ngân hàng người mua gửi giấy báo nợ đến người mua.
3. Ngân hàng bên mua chuyển tiền cho ngân hàng bên bán.
4. Ngân hàng người bán gửi giấy báo có cho người bán.
5. Người bán giao hàng và bộ chứng từ hàng hóa cho người mua.
Quy trình thanh toán bằng T/T trả sau:
1. Người bán giao hàng và bộ chứng từ hàng hóa cho người mua.
2. Người mua ra lệnh cho ngân hàng người mua chuyển tiền để trả.
3. Ngân hàng người mua gửi giấy báo nợ cho người mua.
4. Ngân hàng bên mua chuyển tiền trả cho ngân hàng bên bán.
5. Ngân hàng bên bán gửi giấy báo có cho bên bán.
Ví dụ: Người mua phải trả cho người bán 40% tiền hàng sau khi hợp đồng được ký kết; phần còn lại 60% sẽ được thanh toán khi người mua nhận được bill nháp, hoặc người mua phải trả cho người bán 30% tổng giá trị hợp đồng sau khi hai bên ký kết hợp đồng; phần còn lại sẽ được thanh toán bằng thư tín dụng.
3. Ưu, Nhược điểm của phương thức thanh toán T/T
Ưu điểm:
► Quy trình nghiệp vụ đơn giản, dễ thực hiện.
► Tiết kiệm thời gian và chi phí.
► Nhà nhập khẩu không bị đọng vốn ký quỹ như L/C.
► Bộ chứng từ hàng hóa đơn giản, không yêu cầu nhiều như L/C.
► Nhà xuất khẩu: với phương thức T/T in advance, người mua nhận được tiền hàng trước khi giao hàng giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do người mua trả chậm hoặc không thanh toán.
► Nhà nhập khẩu: Với phương thức T/T at X days trả sau khi nhận hàng, người mua chắc chắn nhận được hàng đúng như thỏa thuận mới tiến hành thanh toán tránh rủi ro về hàng hóa như kém chất lượng hoặc giao hàng chậm.
► Ngân hàng chỉ là trung gian thực hiện việc thanh toán theo ủy nhiệm và nhận hoa hồng, không chịu bất cứ ràng buộc nào.
Nhược điểm:
► Là phương thức chứa đựng rủi ro cao nhất, đòi hỏi các bên phải thực sự tin tưởng và là đối tác lâu năm hoặc giá trị đơn hàng nhỏ.
► Với phương thức trả trước người mua phải chịu rủi ro hơn khi phải thanh toán trước cho người bán, gây nhiều khó khăn về dòng tiền và tăng rủi ro cho người mua, không đảm bảo về chất lượng, số lượng hàng hóa theo yêu cầu.
► Với phương thức trả sau tạo nhiều bất lợi cho nhà xuất khẩu, giao hàng nhưng chưa nhận được tiền thanh toán mặc dù hàng đã gửi cho nhà nhập khẩu. Trường hợp nhà nhập khẩu không chịu nhận hàng, người bán vừa không nhận được tiền vừa phải mất thêm chi phí vận chuyển, buộc phải bán rẻ lại hoặc tái xuất tốn rất nhiều chi phí và công sức.
Ví dụ:
· Với TT chuyển tiền trước: Bên mua hàng trả tiền trước nhưng bên bán hàng không giao hàng, giao hàng chậm trễ hoặc giao hàng không đúng mẫu mã như đã thỏa thuận…
· Với TT chuyển tiền sau: Bên bán hàng đã giao hàng đầy đủ số lượng, mẫu mã, bên mua hàng không trả tiền, trả tiền chậm, trả thiếu…
Chính vì vậy dù đây là phương thức thanh toán mang lại rất nhiều lợi ích về thời gian và chi phí cho các bên tham gia nhưng lại đòi hỏi sự tin tưởng và uy tín cao nếu không sẽ chịu rủi ro rất lớn.
4. Mẹo nhỏ:
Để giảm thiểu rủi ro nhất với phương thức thanh toán T/T, chúng ta nên kết hợp Phương thức vận chuyển và hình thức thanh toán, phân chia giá trị thanh toán.
Ví dụ: thanh toán T/T 30% trả trước và 70% trả sau khi có bill nháp với điều kiện vận chuyển FOB tức người bán vận chuyển hàng hóa ra tới cảng xuất và làm thủ tục thông quan xuất khẩu còn lại người mua sẽ vận chuyển. Người nhập khẩu thuê một nhà chuyên chở để nhận hàng ở cảng từ người bán và yêu cầu người bán phát hành bill nháp. Khi đó nếu xảy ra bất cứ rủi ro nào thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm và rủi ro giảm còn 30%.
Như vậy, phương thức thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T là một phương thức đơn giản, dễ thực hiện nhưng cũng có thể gặp rất nhiều rủi ro. Phương thức này thường chỉ áp dụng cho những hợp đồng giá trị nhỏ và các bên là đối tác quen thuộc có thể tin tưởng. Bài viết đã nêu ra T/T là gì, các hình thức thanh toán T/T, quy trình thanh toán bằng T/T và ưu nhược điểm của nó.
Hy vọng nó giúp ích được phần nào cho các bạn.
Like và share để đón chờ bài viết về Phương thức thanh toán L/C nhé!
===============================
☘️☘️ Đồng hành cùng EDINS để trang bị kiến thức thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm tốt ngay nhá ^^
CÁC KHÓA HỌC KHAI GIẢNG THÁNG 12 (Ưu Đãi Lớn cho Sinh viên và Người đi làm)
· Khóa Nghiệp vụ Logistics và Xuất nhập khẩu – Thông tin tham khảo: https://bit.ly/3eQkxTW
· Khóa Quản trị Mua hàng (Procument management) – Thông tin tham khảo: https://bit.ly/2L8t3Tm