Các quy tắc thương mại quốc tế trong Incoterm quy định trách nhiệm các bên trong việc vận tải, chi phí hải quan, bảo hiểm, hay trách nhiệm về tổn thất phát sinh trong quá trình vận chuyển… Việc sử dụng các điều khoản Incoterm kiểu “lơ mơ” rất dễ gây ra nhiều tranh chấp, và nảy sinh những rủi ro không đáng có.
Khi việc kinh doanh quốc tế càng phát triển, hàng hóa được chuyên chở bằng container chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, các điều kiện FOB, CFR và CIF vẫn được các DN “ưu ái”. Có những DN còn sử dụng điều kiện FOB CY hay FOB CFS.
Các hãng vận tải, ngân hàng cũng soạn thảo sẵn các mẫu chứng từ của mình trên đó ghi sẵn ba điều kiện để chọn là FOB, CFR và CIF. Điều đó khẳng định tình trạng sử dụng điều kiện này trong vận tải container rất phổ biến. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là sự lựa chọn tối ưu nhất.
NHIỀU RỦI RO
Theo ông Pavel Andrle Tổng Thư ký Ủy ban Ngân hàng của Phòng Thương mại quốc tế ICC, về cơ bản, Incoterm chỉ giúp các bên làm rõ các nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, việc sử dụng Incoterm không đúng nảy sinh rất nhiều rủi ro trong DN. Cần phải hiểu Incoterm là một phần trong hợp đồng chứ không đề cập tất cả các vấn đề trong hợp đồng phải quy định. Cụ thể, Incoterm không bao gồm vấn đề chuyển quyền sở hữu hàng hóa, vi phạm hợp đồng, luật áp dụng, hay nghĩa vụ bảo hiểm hàng hóa (trừ 2 điều khoản CIP và CIF)... Do đó, những vấn đề này cần được đề cập rõ ràng trong hợp đồng.
Ông Pavel Andrle cho biết, rủi ro lớn nhất trong thương mại quốc tế mà VN thường vướng phải là rủi ro về thanh toán. Khi người bán không xuất trình chứng từ đúng với các quy định trong hợp đồng và phù hợp với incoterm thì sẽ không lấy được tiền. Những rủi ro này thường vẫn phải bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình trong việc xác nhận các quy định, thỏa thuận trong hợp đồng một cách rõ ràng nhất. Do vậy, cần hiểu rõ Incoterm để có thể xác định cụ thể việc xuất trình các bộ chứng từ phù hợp với từng điều kiện giao hàng.
Theo Luật sư Võ Nhật Thăng, trọng tài viên VIAC cho biết, các DN VN thường không nắm vững được quy tắc nào thích hợp cho hàng rời khối lượng lớn, và quy tắc nào thích hợp cho hàng vận chuyển bằng container. Khi hàng đã dược vận chuyển bằng container thì các quy tắc FAS, FOB, FCR và CIF không còn thích hợp. Vì đối với phương thức vận chuyển bằng container, khâu vận chuyển hàng từ ICD đến cảng để xếp hàng lên tàu hoàn toàn do người vận tải đảm nhiệm. Từ đó, phần lớn trường hợp, rủi ro cũng sẽ chuyển từ người bán sang người mua từ thời điểm hàng đã giao cho đại lý vận tải tại ICD chứ không phải tại boong tàu như trong quy tắc FOB, FCR và CIF hay dọc mạn tàu như trong quy tắc FAS.
Phù hợp với thời điểm phân chia rủi ro như trên, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm thông thường cũng bắt đầu từ khi hàng được giao cho đại lý vận tải. Vì không nắm vững các quy định này trong Incoterms, một số DN khi xuất khẩu hàng chở bằng container nếu người mua nước ngoài yêu cầu người bán phải lo cả khâu vận tải và bảo hiểm thì lẽ ra phải lại ký hợp đồng theo quy tắc CIP nhưng lại ký là CIF. Có lẽ không quen lắm với quy tắc CIP nên vẫn cứ ký là CIF, hậu quả là nếu có hư hỏng mát mát xảy ra trên quãng đường từ ICD ra Terminal thì bảo hiểm từ chối và người bán khó lòng khước từ trách nhiệm bồi thường với người mua.
HIỂU SAI, LÀM NGƯỢC
Trong nhiều năm tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, nhiều DN xuất nhập khẩu VN vẫn quan niệm bán FOB là “mặc định” trong xuất khẩu. Bởi người mua nước ngoài phải thuê tàu đến ta lấy hàng, ta chỉ chịu trách nhiệm khi hàng đã được giao lên tàu. Hay đối với nhập khẩu, các DN VN vẫn thường mua CFR (CF) hay CIF. Tức người bán nước ngoài sẽ phải đưa hàng hóa tới tận cảng giao hàng cho ta.
Nghĩ sơ thấy lợi, nhưng thực tế, điều này đã vô tình nhường cho người nước ngoài hưởng chênh lệch về cước phí bảo hiểm và vận tải. Và DN trong nước không thể lường trước, không quy định trước các chế tài trong hợp đồng, thì khi giá thị trường xuống, người mua FOB không điều tàu đến lấy hàng thì ta sẽ không có chứng từ để xuất trình thanh toán. Hay ngược lại khi giá lên, người bán CFR hay CIF sẽ bán hàng cho người khác để kiếm lãi cao hơn.
Theo ông Tô Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nguồn nhân lực VN - Nhật Bản VJCC) tại TP.HCM, các DN xuất nhập khẩu là những người sử dụng trực tiếp các điều kiện thương mại cần tích cực tìm hiểu về Incoterms. Bên cạnh đó, các DN không nên chỉ giới hạn sử dụng 1-2 điều kiện thương mại duy nhất, mà cần linh hoạt sử dụng tất cả các điều kiện thương mại được giải thích bởi các qui tắc Incoterms 2010 mới nhất (gồm11 qui tắc). Đặc biệt, các DN xuất nhập khẩu cần mạnh dạn sử dụng điều kiện FCA, CPT, CIP thay thế cho FAS/FOB, CFR, CIF khi hàng đóng trong container hoặc khi phương thức vận tải không phải đường biển để tránh những rắc rối pháp lý không cần thiết xảy ra.
Bên cạnh đó, như đã để cập ở trên, Incoterm là một phần trong hợp đồng chứ không đề cập tất cả các vấn đề trong hợp đồng phải quy định. Do đó, để tránh những rủi ro không đáng có, các DN cần bổ sung những qui định cần thiết trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình và tránh rắc rối xảy ra.
Đồng thời, các DN xuất nhập khẩu cũng cần phải chú ý loại bỏ những quy định ở trong hợp đồng làm mất đi bản chất của các điều kiện thương mại trong Incoterm. Vì những quy định như vậy rất dễ gây tranh chấp cho các bên, và nếu có tranh chấp sẽ khó khăn để giải quyết.
Theo www.vlr.vn