Thật ra, không phải đến năm 2017, hàng Việt xuất sang Trung Quốc mới có tín hiệu tăng trưởng. Năm 2016, xuất khẩu sang Trung Quốc đã có bước chuyển đáng kể với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Nếu tính theo tổng giá trị hàng hóa thì mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 so với năm 2015 là 8,8%. Đáng nói hơn, trong 2 năm nay, Trung Quốc đã thay thế vị trí của Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Kết quả đó được cho là sẽ phần nào giúp gánh nặng nhập siêu từ thị trường “khổng lồ” này giảm dần.
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, Trung Quốc có nhu cầu thật trong việc nhập khẩu một số mặt hàng nông - lâm - thủy sản đặc thù từ Việt Nam. Một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực thương mại có trụ sở tại TP Thượng Hải - Trung Quốc mới đây đã thông báo trên các phương tiện thông tin của Việt Nam về nhu cầu mua mùn cưa từ gỗ keo, thông, cao su hoặc bạch đàn với số lượng khoảng 500 tấn/tháng. Đáng lưu ý, DN này cho phép phía cung ứng được “thoải mái” trong tiêu chí kích thước và độ ẩm của sản phẩm.
Đại diện Công ty CP VIETGO - đơn vị chuyên tư vấn, xúc tiến xuất nhập khẩu - cho biết một DN Trung Quốc thông qua công ty này muốn tìm đầu mối nhập 17 container chuối mỗi tuần trong năm 2017 và tăng lên 20 container vào năm 2018. DN này hiện nhập khoảng 100-120 container/tuần từ Philippines và Ecuador song cần nhập thêm từ Việt Nam bởi lý do mở rộng quy mô phân phối. Một DN khác có nhu cầu nhập khẩu tôm sú đông lạnh qua cảng Shanghai - Trung Quốc trong đầu tháng 3-2017...
Báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cũng nêu rõ hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Trong một hội nghị xúc tiến thương mại tổ chức cuối năm 2016 ở Hà Nội, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh - Trung Quốc, ông Đào Việt Anh, đã nhận định Việt Nam và nước láng giềng này có nhiều thuận lợi trong giao thương. Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Giá trị gia tăng không cao
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ là nhờ sản phẩm dăm mảnh được nước này ưa chuộng, thu mua nhiều.
“Thực tế, dăm mảnh xuất sang Trung Quốc tăng trưởng đều qua các năm chứ không phải giờ mới đột biến nhưng đây không phải là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chỉ là cây gỗ được băm ra bán cho họ. Giá xuất rất rẻ, chỉ 140 USD/tấn” - ông Quyền thông tin.
Theo đại diện hiệp hội ngành gỗ, thực chất, trong việc bán dăm mảnh cho Trung Quốc thì phía Việt Nam cũng có lợi. Bởi lẽ, chúng ta có rất nhiều gỗ nhỏ, không bán dưới dạng dăm mảnh giá rẻ thì không biết làm gì có lợi hơn. Hơn nữa, nhu cầu của Trung Quốc với mặt hàng này là khá lớn, không lo tình trạng thu mua rồi dừng lại đột ngột như với một số nông sản khác. Do vậy, ngoài đầu tư xuất khẩu sang Mỹ với các mặt hàng hoàn chỉnh và được giá cao thì xuất khẩu dăm mảnh, gỗ bóc… sang Trung Quốc cũng nên khuyến khích.
Theo ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng nóng vào năm 2016 và năm nay dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ông Lai đánh giá đây là thị trường tiềm năng và hướng tới có thể “xem như thị trường trọng điểm” của Việt Nam khi các thị trường khác như Mỹ, châu Âu gặp khó khăn. “Xuất thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu là phi lê cá tra. Tuy nhiên, xuất sang thị trường này chủ yếu tăng về số lượng, còn chất lượng và giá trị gia tăng không cao như xuất sang Mỹ, châu Âu” - ông Lai nhìn nhận.
Mặt khác, theo ông Lai, thị trường Trung Quốc có nhiều yếu tố rủi ro. DN xuất khẩu sang đó phải hết sức thận trọng trong các hợp đồng, nhất là thủ tục thanh toán.
“Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có vài trường hợp gặp rủi ro trong thanh toán. Chủ yếu là các trường hợp mua bán tiểu ngạch, trao đổi bằng miệng hoặc giấy tờ ký kết thiếu cơ sở pháp lý. Do đó, với thị trường Trung Quốc, nên có sự quan tâm từ phía tham tán thương mại trong khảo sát thị trường, tư vấn cho DN các thủ tục và cách thức để hợp tác lâu dài. DN cũng phải thận trọng để giảm thiểu rủi ro” - ông Lai lưu ý.
Đánh giá tín hiệu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng là đáng mừng song ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, vẫn cho rằng chưa thể kết luận đây có phải là xu hướng lâu dài hay chỉ là hiện tượng nhất thời. Theo ông, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đủ mạnh để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Người lao động