Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi Agility 2020, nếu các doanh nghiệp di dời khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại, Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến đầu tư khả thi nhất. Mexico và Campuchia là lựa chọn di dời được đánh giá thấp nhất trong số những người trả lời chắc chắn sẽ rời Trung Quốc.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam đứng thứ 11 tổng thể, giảm 1 bậc so với năm trước. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Mặc dù đứng đầu khu vực Đông Nam Á về chỉ số cơ bản kinh doanh, Malaysia vẫn theo sau Việt Nam, Indonesia và Thái Lan trong các cơ hội hậu cần quốc tế.
Malaysia chứng kiến xuất khẩu hàng hóa đường biển sang Mỹ tăng 24% trong 8 tháng đầu năm 2019 do hưởng lợi chiến tranh thương mại, nhưng thị trường vận tải đường biển của quốc gia này vẫn còn nhỏ so với các nước láng giềng có biển - những nơi có thị trường vận tải hàng hóa lớn hơn gấp khoảng 3 lần.
Báo cáo cũng chỉ ra, trong nhóm 6 thị trường có tiềm năng nhất, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dẫn đầu. Việt Nam tiếp tục đứng thứ 3 vì sự tiến bộ trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thị trường nội địa trong những năm gần đây, bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu được cho là hưởng lợi thương chiến.
Nhiều người trả lời khảo sát khẳng định: Việt Nam hiện đang là "người chiến thắng của thương chiến" khi cả nhập khẩu qua đường hàng không và đường biển vào Mỹ ước tính sẽ tăng lần lượt 23% và 25% năm 2019.
Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc (về mặt khối lượng) đến Hoa Kỳ bằng đường biển qua container là đồ nội thất, đồ giường tủ và đèn trong năm 2018, chiếm 14% khối lượng hàng hóa đường biển xuất khẩu sang Mỹ.
Các ngành xuất khẩu này của Trung Quốc sang Mỹ đã thất thủ, Việt Nam đã hưởng lợi. Dự báo, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn đồ nội thất sang Mỹ. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khoảng thời gian này, báo cáo chỉ ra.
Hoàng An
Theo Trí thức trẻ