Khi nói đến logistics, một hình ảnh quen thuộc hay được mọi người nghĩ đến là những con tàu chở đầy ắp container trên chặng hải hành viễn dương. Trên thực tế, dịch vụ kho bãi, giao nhận chiếm vị trí quan trọng không kém, và đây là khâu đem lại giá trị gia tăng nhiều nhất cho hàng hóa trong chuỗi các hoạt động logistics.
|
Bên trong trung tâm logistics của U&I Logistics tại tỉnh Bình Dương. |
Không chỉ là nơi lưu giữ hàng hóa
Một cách tổng quát, logistics là quá trình vận chuyển, lưu giữ và xử lý hàng hóa từ khi sản xuất cho đến người tiêu dùng. Trong cả chuỗi hoạt động này, hàng hóa luôn ở một trong hai trạng thái: động hoặc tĩnh. Động là khi hàng hóa nằm trên các phương tiện vận tải, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Còn tĩnh là khi hàng hóa được lưu giữ, xử lý ở kho, bãi mà ngôn ngữ chung hiện nay gọi là trung tâm logistics.
Trước đây, trung tâm logistics chỉ có chức năng lưu giữ, do vậy hàng hóa không phát sinh thêm giá trị gia tăng gì. Nhưng với xu hướng hiện nay, trung tâm logistics không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản mà còn là nơi xử lý hàng hóa, qua đó đem lại thêm nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa.
Một doanh nghiệp Việt Nam khi tham quan trung tâm logistics ở Hà Lan đã ngạc nhiên khi thấy trung tâm này cũng chính là nơi thực hiện chức năng bảo hành cho mặt hàng máy kéo của Mỹ xuất sang châu Âu. Còn các hoạt động như chia tách lô hàng, đóng gói, dán nhãn mác thì đã rất phổ biến, và tuy đơn giản nhưng cũng giúp cho hàng hóa nâng cao giá trị lên nhiều.
Xét về chức năng, kho ngoại quan chính là một trung tâm logistics. Mua bán hàng hóa nằm trong kho ngoại quan là một nghiệp vụ rất phổ biến của các thương nhân. Một doanh nghiệp mua cà phê đưa vào kho ngoại quan ở Đồng Nai, sau đó có thể bán hàng ngay tại kho cho doanh nghiệp khác, để rồi lô cà phê đó có thể được xuất khẩu ra khỏi Việt Nam, hoặc cũng có thể được bán ngược trở lại vào Việt Nam, tất nhiên là với một mức giá cao hơn giá đã mua ban đầu.
Trung tâm phân phối (distribution center) cũng là một loại hình trung tâm logistics đang trở nên thịnh hành. Với loại hình này, khâu phân phối sẽ được rút ngắn một bước khi không phải đưa qua cửa hàng. Hàng hóa sau khi được thu gom vào trung tâm logistics sẽ được giao thẳng đến cho các đại lý hoặc người mua. Một doanh nghiệp Mỹ đã thuê một trung tâm logistics lớn ở Bình Dương để tập kết đồ gỗ sản xuất tại đây, sau đó giao thẳng đến các cửa hàng ở bờ Đông hoặc bờ Tây nước Mỹ.
“Theo cách làm trước kia, họ phải chở hàng từ đây về Los Angeles, rồi từ đó lại chia ra một phần để chở sang bờ Đông. Hiện nay, họ chỉ việc đưa ra yêu cầu, chúng tôi sẽ giao thẳng từ đây đến địa điểm chỉ định ở bờ Đông, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí”, giám đốc trung tâm logistics ở Bình Dương này chia sẻ.
Khác với các trung tâm logistics thông thường, trung tâm logistics phục vụ thương mại điện tử lại có một thiết bị đặc biệt là hệ thống chia chọn hàng hóa. Với số lượng hàng ngàn đến hàng chục ngàn món hàng được mua qua trang web và thiết bị di động mỗi ngày, nếu không có hệ thống này thì doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ không thể nào giao hàng đến đúng người mua trong thời gian sớm nhất mà không bị nhầm lẫn, sai sót. Và nếu không làm được điều này thì những ưu thế của thương mại điện tử như mua hàng nhanh, có nhiều lựa chọn... cũng sẽ bị triệt tiêu.
Mặc dù còn ít, nhưng Việt Nam cũng đã có những trung tâm logistics hiện đại, tự động hóa hoàn toàn. Khách đến thăm trung tâm logistics của Vinamilk ở huyện Bến Cát, Bình Dương không khỏi trầm trồ khi chứng kiến một kho hàng được tự động hóa hoàn toàn.
Các sản phẩm mau hỏng như nông sản, thủy sản đòi hỏi một loại hình trung tâm logistics riêng, đó là kho lạnh hoặc kho mát. Các kho này đầu tư tốn kém hơn do phải trang bị hệ thống làm lạnh công suất lớn. Trung tâm logistics Mekong ở tỉnh Hậu Giang là một hình mẫu của loại hình này.
Một trong những điểm bất cập nữa là tình trạng phân mảnh trong quản lý nhà nước. Trong khi trung tâm logistics được giao cho Bộ Công Thương thì cảng cạn, kho ngoại quan - về chức năng cũng chính là các trung tâm logistics - lại thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính. |
Quy hoạch chưa tương xứng
Trong những năm gần đây, số lượng trung tâm logistics tại Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh, tập trung nhiều nhất ở hai địa phương là Hải Phòng và Bình Dương. Nhiều người sau vài năm trở lại đã không thể nhận ra bán đảo Đình Vũ (Hải Phòng) khi ngày nay đã bị lấp kín bởi các trung tâm logistics.
Tuy nhiên, như nhiều chủ nhân của các trung tâm logistics này thừa nhận, đa số các trung tâm này còn rất thô sơ, chủ yếu làm chức năng đóng hàng hoặc rút hàng khỏi container, tập kết vỏ rỗng để chuyển trả hãng tàu hoặc giao cho các chủ hàng trong nội địa.
Trong bối cảnh nguồn lực đất đai có giới hạn và ngày càng trở nên khan hiếm, bất động sản logistics đang trở thành một khoản đầu tư có giá trị. Mặc dù không thể đem lại lợi nhuận cao ngay lập tức, nhưng các trung tâm này sẽ đem lại doanh thu ổn định khi khối lượng hàng hóa ngày càng gia tăng.
Nhiều nhà đầu tư đang ra sức săn tìm những khu đất ở gần các khu công nghiệp, đầu mối giao thông hoặc ven đô thị để xây dựng các trung tâm logistics.
Có thể thấy, quy hoạch không gian dành cho hoạt động logistics ở các địa phương lớn nói chung là chưa tương xứng với quy mô của hoạt động thương mại, công nghiệp. Tính đến cuối năm 2018, Hà Nội có chín khu công nghiệp, 43 cụm công nghiệp đang hoạt động và 84 cụm công nghiệp đang thành lập, 132 siêu thị, 454 chợ và hàng ngàn cửa hàng tiện dụng để phục vụ 7,78 triệu người dân Thủ đô. Mật độ sản xuất và dân số như vậy cho thấy hoạt động logistics trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra sôi động như thế nào.
Tuy nhiên, ngoài trung tâm logistics của Interserco ở Mỹ Đình (sắp phải trả lại thành phố) và Hateco ở Long Biên, Hà Nội chưa có không gian đáng kể nào dành cho logistics, dẫn đến hoạt động logistics thiếu bền vững, chi phí cao, làm giảm tính cạnh tranh của các ngành nghề khác trong xã hội.
Ngày 3-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ có ba trung tâm logistics loại I, 15 trung tâm logistics loại II và ba trung tâm logistics chuyên dụng được xác định cần thiết đầu tư. Tuy nhiên, cách hiểu về quy hoạch này vẫn có sự khác nhau, và một số địa phương vẫn hy vọng là nơi trú đóng của một trong các trung tâm logistics này để có khoản đầu tư từ Nhà nước, trong khi đây chỉ là quy hoạch mở, mang tính định hướng và việc thu hút đầu tư phải do các địa phương tự tiến hành.
Một trong những điểm bất cập nữa là tình trạng phân mảnh trong quản lý nhà nước. Trong khi trung tâm logistics được giao cho Bộ Công Thương thì cảng cạn, kho ngoại quan - về chức năng cũng chính là các trung tâm logistics - lại thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính. Do vậy, việc quy hoạch của ba loại hình này do ba cơ quan khác nhau thực hiện, thiếu sự phối hợp với nhau cũng như phối hợp với quy hoạch hạ tầng giao thông. Tình trạng này dẫn đến sự chồng lấn, lãng phí nguồn lực xã hội và làm giảm hiệu quả hoạt động logistics.
Để trung tâm logistics phát huy vai trò lớn hơn nữa, là mắt xích thiết yếu trong chuỗi dịch vụ logistics, đem lại giá trị gia tăng ngày càng cao cho hàng hóa, cần có sự quyết liệt từ phía Chính phủ để thống nhất quản lý về trung tâm logistics. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trung tâm logistics cũng là nhu cầu cấp bách để định hướng cho doanh nghiệp đầu tư
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Thứ 2 ngày 01/10/2019 Theo: Trần Thanh Hải