Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) hoạt động từ đầu năm 2019, được xây dựng trên mô hình hợp tác điển hình giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Sau hơn 6 tháng vận hành, bước đầu IOC đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính. Tiêu biểu nhất là chức năng phản ánh hiện trường được triển khai ban đầu gắn với hoạt động Ngày Chủ Nhật xanh, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả cộng đồng.
Đến nay, IOC đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM), hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả.
Hiện tại, đã có 85 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tuyến của người dân thông qua Trung tâm gồm: 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện, 100% phường thuộc TP. Huế. Bên cạnh đó là một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các đơn vị sự nghiệp quan trọng của UBND tỉnh.
Với cách làm đó, giải pháp phát triển dịch vụ ĐTTM Thừa Thiên Huế được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng Viễn thông Châu Á - Telecom Asia Awards 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc hiệu quả, chất lượng, an toàn. Đây như là một trong những sản phẩm quyết tâm tạo ra sự "khác biệt, đột phá" của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: "Việc phát triển các dịch vụ ĐTTM là sự khẳng định cho sự đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thuận lợi làm mục tiêu, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển”.
Phát biểu chúc mừng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh về xây dựng ĐTTM. Trong một thời gian ngắn triển khai, tỉnh có một số kết quả nổi bật, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rõ rệt. Nổi bật là việc quản lý, giám sát tập trung kết hợp việc theo dõi xử lý dịch vụ công trực tuyến với các dịch vụ ĐTTM tại một trung tâm... Đây là mô hình điển hình để các bộ, ngành, địa phương học tập kinh nghiệm về xây dựng ĐTTM và Chính phủ điện tử.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghệ thông tin, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước là các chuyên gia, cùng với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Hội nghị với mục tiêu đưa công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, đồng thời kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này...