0353.380.835

NÔNG SẢN KHÔNG THỂ XUẤT KHẨU, HẢI DƯƠNG BỊ CÔ LẬP THÀNH ỐC ĐẢO VÌ COVID 19

22/02/2021

Nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Dương lại đang bị cô lập, trở thành một ốc đảo.

Hàng hóa từ Hải Dương đi các tỉnh bị "tắc"

Ngày 16/2/2021, tỉnh Hải Dương công bố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh. Ngay trong chiều hôm đó, thành phố Hải Phòng ban hành Thông báo số 62/TB-UBND, trong đó nội dung đầu tiên là Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng.

Tác động của dòng chữ này đã được các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics và hộ nông dân của Hải Dương cảm nhận thấy ngay lập tức.

Các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu có điểm xuất phát từ Hải Dương bị dừng ách tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương. Một phần trong số đó là hàng hóa cung cấp cho các doanh nghiệp Hải Phòng, một phần trong đó là đưa ra cảng để xuất khẩu.

Theo thông tin của Sở NN-PTNT Hải Dương, đến ngày 15/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa - một số lượng lớn nông sản trên để tiêu thụ tại các địa phương khác và phục vụ xuất khẩu. 


Ảnh: Vietnamnet


Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc công ty logistics Delta International, cho biết, do yêu cầu cách ly nên hiện nay các lái xe ở Hải Dương không dám nhận chở hàng sang Hải Phòng. Ngay cả khi Hải Phòng đã sửa đổi quy định, không yêu cầu cách ly và thay bằng yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm PCR chứng minh âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày gần nhất thì yêu cầu này cũng khó khả thi.

"Thông thường, thời gian để có kết quả xét nghiệm mất 24h, trong khi CDC Hải Dương còn phải lo xét nghiệm cho các F0, F1, F2 và cán bộ y tế, phòng dịch nên khi có kết quả xét nghiệm cho lái xe đã gần hết thời hạn 3 ngày" - vị giám đốc này than thở.

Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất miền Bắc lý giải việc phải áp dụng biện pháp như vậy là do lo ngại virus SARS-CoV-2 có thể lan truyền qua hàng hóa, giống như trường hợp đã xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua. 

Từ hiệu ứng của Hải Phòng, các địa phương khác cũng lựa chọn cho mình cách hành xử tương tự. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, cho biết: "Không chỉ những địa phương giáp ranh với Hải Dương mà hàng hóa đi Thái Bình, Nam Định cũng bị khó khăn rồi".

Nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Dương lại đang bị cô lập, trở thành một ốc đảo. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu tình trạng dịch không phải chỉ tập trung ở Hải Dương mà xảy ra thêm ở một vài địa phương khác, tác động của việc này sẽ ra sao? Chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy ngay từ chính trong nước và từ đó tác động đến cả nền kinh tế.

Tinh thần của Chỉ thị 16 (31/3/2020), Chỉ thị 05 (28/1/2021) và các chỉ đạo của Chính phủ trong suốt một năm qua đều nêu rõ: Đảm bảo lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất để thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch, vừa không gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế.


Tỉnh Hải Dương còn hàng nghìn tấn rau xanh nhưng gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ vì Covid 19

Cần có hướng dẫn thống nhất

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 5 lần bùng phát dịch trong cộng đồng: Vĩnh Phúc (2/2020), Hà Nội (3/2020), Đà Nẵng (7/2020), TP.HCM (12/2020), Hải Dương (1/2021). Qua một năm chống dịch, chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm tương đối để có thể lên kịch bản ứng phó mà một điểm có thể nhận thấy rõ là biện pháp chống dịch ngày càng tập trung, khoanh vùng chính xác hơn.

Một trường đại học ở TP.HCM có ca nhiễm thì chỉ đóng cửa trường đó, nhưng không phải phong tỏa cả một quận. Một chung cư ở Hà Nội có F0 thì cách ly chung cư đó, nhưng không có nghĩa là cả phường có dịch.

Một điều đáng nói, trong khi Hải Phòng cấm cả con người và hàng hóa từ Hải Dương thì Hà Nội vẫn đón nhận người từ Hải Dương về lại Thủ đô sau Tết và kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh này. Cách ứng xử khác nhau cho thấy Chính phủ cần có hướng dẫn thống nhất về lưu thông con người, hàng hóa, phương tiện giữa một địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.

Để rõ ràng hơn nữa, Chính phủ cần có hướng dẫn thống nhất về phân cấp dịch, ví dụ số lượng ca nhiễm như thế nào, so với tỷ lệ dân số ra sao, tốc độ lây nhiễm nhanh hay chậm để phân thành cấp 1, 2, 3, 4. Với mỗi cấp thì các địa phương áp dụng những biện pháp gì (đóng cửa các cơ sở không thiết yếu, không cho người dân ra đường hay được mở cửa nhưng phải thực hiện các yêu cầu giãn cách, v.v...). Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ công bố dịch ở tỉnh thành, quận huyện hay xã phường liên quan thuộc cấp độ nào.

Trong khi chờ đợi các hướng dẫn trên, các địa phương có thể nghiên cứu áp dụng những phương pháp chống dịch khác đảm bảo "mục tiêu kép", ví dụ yêu cầu lái xe từ vùng có dịch phải mặc quần áo bảo hộ kín khi lưu thông sang địa phương khác, hoặc thiết lập khu vực đổi tài xế ở điểm giáp ranh giữa hai địa phương, v.v...

Trần Thanh Hải


------------

Bạn đang cần trang bị kiến thức nghiệp vụ để xin thực tập hoặc việc làm

Hãy đến ngay với khóa nghiệp vụ Logistics và xuất nhập khẩu tháng 2 này.

Tham khảo ngay: https://forms.gle/YSHHHx2zCMqEPJTz7


*************

VIỆN QUẢN TRỊ LOGISTICS VÀ CHUỖI CUNG ỨNG EDINS

Hotline: 0869.297.618

Fanpage: facebook.com/edinsedu


Khai giảng khóa học nghiệp vụ XNK thực tế hàng tháng. Học phí CỰC KỲ ƯU ĐÃI 3,000,000 VNĐ cho 14 buổi học cùng 7 giảng viên:

Sinh viên đăng ký giảm 30% chỉ còn : 2.100.000 VNĐ.
Người đi làm đăng ký giảm 20% chỉ còn : 2.400.000 VNĐ.
Đăng ký nhóm 2 người giảm ngay 100.000 VNĐ.