0353.380.835

Giảng viên của Viện Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng EDINS tham gia đoàn khảo sát lĩnh vực logistics tại khu vực Nam Trung Bộ

02/06/2020

BBT Báo cáo thường niên logistics VN khảo sát lĩnh vực logistics tại khu vực Nam Trung Bộ


Để phục vụ cho việc biên soạn báo cáo thường niên logistics Việt Nam năm 2020 (dự kiến công bố vào tháng 11/2020), trong thời gian từ ngày 27-31/5/2020, Ban biên tập báo cáo logistics Việt Nam năm 2020 do ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu- Bộ Công Thương, trưởng Ban biên tập làm trưởng đoàn, với sự hỗ trợ, phối hợp của Sở Công Thương các tỉnh và các hiệp hội doanh nghiệp, đã có tiến hành khảo sát và làm việc với các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực logistics tại khu vực Nam Trung Bộ (Bình Định, Khánh Hòa).

Trong thời gian 5 ngày, đoàn đã khảo sát và làm việc trực tiếp tại cảng biển Quy Nhơn, công ty gỗ Đại Thành (Bình Định), cảng biển Bắc Vân Phong, cảng biển Cam Ranh, công ty cổ phần ICD Cam Ranh (đang chờ cấp phép ICD), công ty New World logistics (Khánh Hòa) và hai trường Đại học Quy Nhơn và Nha Trang.

Ngoài việc thu thập thông tin chung về tình hình cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics, Đoàn khảo sát cũng cập nhật các vấn đề mới trong chuỗi cung ứng và kết nối vùng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại và logistics toàn cầu đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19 suốt từ đầu năm đến nay.

Cụ thể chương trình khảo sát và các kết quả đạt được như sau:

Khảo sát về logistics tại tỉnh Bình Định và kết nối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ:

Ngày 27-28/5/2020: Khảo sát tình hình logistics tại tỉnh Bình Định và kết nối với các khu vực

Trong 5 năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, đầu tư tại tỉnh Bình Định nói chung và lĩnh vực logistics đã có nhiều tiến chuyển. Dọc chiều dài 134 km đường ven biển, nhiều khu công nghiệp, cảng cá, cơ sở logistics, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được đầu tư phát triển. Cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại cũng sẽ được đầu tư nâng cấp, có bến chuyên dùng công-ten-nơ; thu hút đầu tư xây dựng cảng Nhơn Hội làm khu bến tổng hợp có cảng chuyên dùng.

Xác định được những tiềm năng phát triển logistics của địa phương, từ ngày ngày 17 tháng 11 năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định số 4317/QĐ-UBND phê duyệt 
Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Định đến năm 2025, với các mục tiêu gồm:

- Phát triển dịch vụ logistics với tốc độ tăng trưởng cao và nâng mức đóng góp của dịch vụ logistics, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp trong GDP của dịch vụ logistics năm trong nhóm cao trong khu vực dịch vụ của tỉnh với tốc độ trung bình dịch vụ logistics đến năm 2020 là 10-12%/năin, đến năm 2025 tăng trên 12%/năm, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

- Phát triển ngành logistics bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng hệ thống dịch vụ logistics phát triển năng động, có khả năng cạnh tranh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, từng bước phát huy lợi thế của Bình Định trong chuỗi giá trị logistics cả nước.

- Hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại vùng miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, các nhà giao nhận, vận tải sử dụng Cảng Quy Nhơn như là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

- Xây dựng, từng bước hoàn thiện về hạ tầng: cảng biển, kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, các trung tâm logistics để phục vụ các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ logistics theo hướng tích hợp nhiều dịch vụ với công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp. Tập trung phát triển mạnh loại hình dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL), từng bước triển khai loại hình dịch vụ logistics bên thứ 4 (4PL) và thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bình Định đã xác định các nội dung công việc chính, trong đó tập trung vào:
 Quy hoạch và hình thành hệ thống kho bãi chứa hàng hóa tại các cảng biển, tiến tới xây dựng các Trung tâm Logistics phù hợp với yêu cầu phát triển logistics để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Phát huy lợi thế cụm Cảng biển Quy Nhơn, hình thành cảng vận tải container chuyên nghiệp, phát triển các loại hình dịch vụ logistics làm vệ tinh cho Trung tâm logistics thuộc hành lang kinh tế Quốc lộ 19 và duyên hải Nam Trung bộ theo Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015.
- Phát triển Trung tâm logistics tại Quốc lộ 19, có chức năng phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu cho khu vực Cảng biển Quy Nhơn, hỗ trợ cho các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư phát triển logistics theo hướng trục Cảng nước sâu Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát.
- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông logistics trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến đường từ Cảng Quy Nhơn nối với Quốc lộ 1 như Quốc lộ 19, Quốc lộ 19 mới, Quốc lộ 19B, Quốc lộ 19C.
- Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải: Tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển; quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế của tỉnh.
- Hệ thống hạ tầng cảng biển: Hoàn thiện và phát triển hệ thống kho bãi cảng cạn/cảng khô/cảng nội địa (ICD), thu gom hàng lẻ, được tập trung lại để đóng hàng vào container, xuất khẩu bằng đường biển (CFS), bãi container (CY) và các trang thiết bị xếp dỡ, đảm bảo tính thuận tiện khi kết nối với mạng lưới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
- Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics bao gồm: mạng lưới thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, trao đổi dữ liệu điện tử, hệ thống internet,...
- Rà soát đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống kho ngoại quan, kho hàng, bến bãi, phát triển phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng xuất khẩu trong giai đoạn trước mắt, cũng như về lâu dài.
- Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics và thực hiện các dịch vụ này (dịch vụ lưu kho, lưu bãi, giao nhận, vận chuyển, thông tin, giao dịch, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì,...).
- Chuẩn hóa các quy trình dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng việc ứng dụng hải quan điện tử: chương trình quản lý và điều hành qua mạng, hệ thống khai báo hải quan từ xa, chữ ký số trong thông quan điện tử,... để giải quyết thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi.
- Xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các Trung tâm logistics của tỉnh thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư, các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Tỉnh đang nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, khuyến khích phát triển nhà máy đóng tàu vỏ nhựa FRP và từ vật liệu composite, đồng thời nâng cấp, mở rộng hai cảng cá Đề Gi, Tam Quan, bảo đảm các tàu cá có công suất lớn ra vào, neo đậu, tránh trú bão. Tỉnh Bình Định cũng đang gấp rút thi công hoàn thành tuyến đường nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội, rút ngắn khoảng cách di chuyển và góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn.

Về tiềm năng nguồn chân hàng, hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Đình gồm có đồ gỗ, thủy sản và hàng may mặc. Ngoài ra, ngành logistics Bình Định còn có tiềm năng thu hút nguồn hàng từ các tỉnh Tây Nguyên.

Về ngành gỗ: Nhiều năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ luôn chiếm trên 50% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), năm 1999, số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành CBG trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng vài chục, đến nay đã phát triển hơn 240 DN. Trong số này, có 115 DN là hội viên của FPA Bình Định. Sản phẩm đồ gỗ của Bình Định hiện đã có mặt trên thị trường của 83 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để phục vụ SX, hàng năm các DN ở Bình Định phải nhập khẩu hơn 200.000m3 gỗ nguyên liệu, chủ yếu là gỗ xẻ và gỗ tròn.

Về nguồn hàng thủy sản: Tỉnh có năm nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu với tổng công suất 15.500 tấn, bên cạnh đó là khoảng 500 cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản. Hai nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu là Công ty TNHH thực phẩm Mãi Tín và Nhà máy chế biến thủy sản An Hải có công suất dự kiến 10 nghìn tấn/năm, khi đi vào hoạt động sẽ giúp hình thành các chuỗi giá trị thủy sản, nhất là cá ngừ.

Tuy nhiên, khảo sát thông tin chung cho thấy vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Quy Nhơn vẫn chưa thực sự cạnh tranh. Thực tế cho thấy, tàu nhỏ vào cảng Quy Nhơn còn tàu lớn vẫn cập cảng Cát Lái, do đó chủ hàng phải chịu phí add on ở Quy Nhơn khá cao. Một lý do khác là tại Bình Định chưa có nhiều doanh nghiệp và đại lý dịch vụ logistics nên tính cạnh tranh chưa cao.
 
Làm việc với Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (Quốc lộ 1A, tổ 1 KV8, Phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn)

Theo ông Lê Văn Lương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty, hiện các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định gặp khó khăn do chi phí logistics cao hơn so với các doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương, Đồng Nai. Một trong các lý do là bởi nguồn hàng hai chiều ra vào các cảng tại Bình Định chưa cân đối (tỷ lệ container rỗng chiều đến cao), khiến chi phí trên đầu đơn vị vận tải tăng. Các doanh nghiệp tại Bình Định vẫn phải xuất khẩu theo giá FOB và do đó thường bị phía đối tác nước ngoài yêu cầu chia sẻ chi phí logistics rất cao khiến giá xuất khẩu bị ép xuống thấp bởi nhiều loại phụ phí bị trừ vào giá. Đại diện công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành cũng cho rằng để nâng cao hiệu quả logistics là yếu tố cốt lõi để năng cao năng lực cạnh tranh cho ngành gỗ tại địa bàn. Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối vùng, trong bối cảnh Covid-19 gây khó khăn chung cho hoạt động thương mại, Chính phủ cần hỗ trợ các DN tiếp cận các chính sách để đầu tư mở rộng sản xuất (cần tư vấn tiếp cận thị trường, nguồn vốn lớn, công nghệ, đối tác khách hàng).
 

Trong hình ảnh có thể có: 10 người, bao gồm Nguyen Meggy, Dao Trong Khoa, Hoang Anh, Trần Thanh Hải và Huong Tran, mọi người đang đứng và trong nhà
Ảnh: Ban biên tập Báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020 làm việc và khảo sát nhà máy của Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành
 
Khảo sát thực tế tại cảng Quy Nhơn (ngày 28/5/2020), đoàn đã trao đổi chi tiết với đại diện của Vinalines về thực trạng và triển vọng cảng biển tại Bình Định. Với sản lượng hàng qua cảng liên tục tăng qua các năm, đến năm 2019 đã đạt 9 triệu tấn/năm. (trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm tăng 1 triệu tấn).

Vinalines đánh giá rất cao vị trí của Quy Nhơn trong chiến lược sắp tới, đặc biệt khi cao tốc Quy Nhơn- Pleiku được đưa vào vận hành, sẽ tạo điều  kiện để thu hút nguồn hàng từ Tây Nguyên. Vinalines xác định trong 5 năm tới cảng Quy Nhơn sẽ là một trong những cảng lớn nhất của khu vực Miền Trung.

Đại diện của cảng Quy Nhơn cũng đề nghị Bộ Công Thương nên xây dựng một hệ sinh thái logistics kết nối các thông tin, phương thức vận tải, các chủ hàng, nhà cung cấp dịch vụ để tạo ra sự sôi động và hiệu quả cho thị trường logistics tại Việt Nam.


Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồi và bàn
 Ban biên tập Báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020 làm việc với Cảng Quy Nhơn

Ngày 29-31/5/2020: khảo sát về tình hình logistics tại tỉnh Khánh Hòa và kết nối với các khu vực lân cận

Tiềm năng và thế mạnh logistics của tỉnh Khánh Hòa
Theo danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải cập nhật vào công bố năm 2020,  Khánh Hòa có 16 bến cảng, gồm: Đầm Môn, Hòn Khói, Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Trạm phân phối xi măng Ninh Thủy, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, cảng Nha Trang, cảng Học viện Hải quân, cảng Ba Ngòi, Nhà máy xi măng Cam Ranh, cảng Quốc tế Cam Ranh, Xăng dầu K662, Khí hóa lỏng Hồng Mộc, cảng Nhà máy đóng bao và Trạm phân phối xi măng Long Sơn, cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, cảng Nhà máy đóng bao, Trạm phân phối Xi măng Xuân Thành.

Ngoài ra, dự án ICD Cam Ranh khi được cấp phép và đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực kho bãi container, luân chuyển hàng hóa, với hệ thống đầu cắm lạnh phục vụ cho xuất khẩu nông lâm thủy sản và nhiều hàng hóa khác của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 



Trong hình ảnh có thể có: 10 người, bao gồm Dao Trong Khoa và Huong Tran, mọi người đang đứng và ngoài trời
Ban biên tập Báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020 làm việc với công ty cổ phần ICD Cam Ranh

Trong năm 2019, các dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (tiếp nhận tàu 50.000 DWT), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (tiếp nhận tàu 70.000 DWT) đã hoàn thành xây dựng hạng mục cầu cảng và đang triển khai xây dựng các hạng mục khác như nhà kho, bến bãi, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2020. Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong hiện đang tập trung xúc tiến thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư. Các cảng chuyên dùng phục vụ dự án như: Cảng chuyên dùng Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, 3 cảng chuyên dùng phục vụ trạm đóng bao và phân phối xi măng của các công ty xi măng Long Sơn, Nghi Sơn, Xuân Thành cũng đã đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Tập đoàn Sumitomo hiện đang triển khai các thủ tục để xây dựng cảng biển nhập than phục vụ nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1; Ban Quản lý dự án Khu vực Nam Vân Phong cũng đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất của các nhà đầu tư để phát triển các bến cảng chuyên dùng phục vụ chuyên chở khí LNG khu vực Ninh Tịnh, Mỹ Giang, xã Ninh Phước (Ninh Hòa) để phục vụ cho việc phát triển các dự án kho chứa khí LNG trong khu vực này.

Về giao thông đường sắt, hiện có 2 dự án đường sắt đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.

Hoạt động giao thông đường thủy tại Khánh Hòa chủ yếu phục vụ khách tham quan du lịch ở đảo gần bờ, phương tiện thủy hoạt động trên các tuyến đều có trọng tải không lớn nên không xảy ra tình trạn ùn ứ, tắc nghẽn trong hoạt động vận tải. Hơn nữa ở vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh đều có các cảng biển nước sâu nên không có cảng thủy nội địa hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống đường bộ hiện đang được triển khai theo quy hoạch để kết nối đồng bộ với quy hoạch và quy mô phát triển của hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không và ga đường sắt.

Khảo sát tại cảng Bắc Vân Phong cho thấy cảng lợi thế đặc biệt về điều kiện tự nhiên. Khu vực vịnh Vân Phong có lợi thế về điều kiện phát triển cảng biển quốc tế với quy mô diện tích lớn, ít chịu ảnh hưởng của bão, có độ sâu trung bình lý tưởng và không bị bồi lắng. Khu vực này nằm ở vị trí trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng; nằm ở cực Đông của quốc gia và bán đảo Đông Dương. Cảng đi vào hoạt động sẽ kéo theo các dịch vụ và kinh tế - xã hội của các phường xung quanh cũng phát triển. Điều này tạo nên cú hích để các tiềm năng của thị xã Ninh Hòa được các nhà đầu tư khai thác tối đa. Mớn nước sâu tới 20m là tiềm năng phát triển cảng nước sâu cho các tàu lớn ra vào cảng Việt Nam. 

Về cơ sở hạ tầng, hiện cảng vẫn đang trong quá trình xây dựng. Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Đông - Tây, kết nối từ Đắk Lắk - Khánh Hòa. Theo đề nghị của tỉnh Khánh Hòa, tuyến cao tốc này sẽ được kết nối vào khu vực Nam Vân Phong theo đường song song với Quốc lộ 26 để tiếp cận với cảng Nam Vân Phong. Như vậy, KKT Vân Phong sẽ có sự kết nối đồng bộ với Quốc lộ 26B đi Đắk Lắk, gần sân bay Cam Ranh, sân bay Tuy Hòa…

Theo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong cho biết hiện nay, KKT đã thu hút được 156 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỉ USD, vốn thực hiện là 719 triệu USD, đạt 18% vốn đăng ký. Một số dự án lớn đang triển khai và đi vào hoạt động như: Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, KCN Ninh Thủy... Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khu vực kinh tế Bắc Vân Phong vẫn chưa phát huy được tiềm năng do hạn chế về nguồn hàng, tính kết nối liên vùng và ảnh hưởng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế.

Làm việc với Công ty New World Logistics (Nha Trang, Khánh Hòa) ngày 30/5/2020, Ban biên tập ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp logistics trong việc áp dụng các công nghệ mới trong quản lý kho bãi và sự năng động của các doanh nghiệp dịch vụ logistics phi tài sản (non-assets). Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất khó cạnh tranh hoặc tham gia vào chuỗi dịch vụ của các công ty dịch vụ logistics đa quốc gia (MNC) do họ có lợi thế về quy mô, thị trường và khả năng kết nối xuyên quốc gia. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Doãn Chinh, giám đốc công ty, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cầu cảng, bến bãi…là những hạn chế cho phân khúc thị trường logistics dành cho hàng siêu trường, siêu trọng và cần sớm được khắc phục một cách tổng thể trong thời gian tới.


Trong hình ảnh có thể có: 10 người, bao gồm Huong Tran, Nguyen Meggy, Trần Thanh Hải và Xuân Thiệu Mai, mọi người đang đứng
 Ban biên tập Báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020 làm việc với công ty New World Logistics

Đặc biệt, trong đợt khảo sát lần này, Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam 2020 cũng đã thảo luận chi tiết với trường Đại học Quy Nhơn và trường Đại học Nha Trang về nhu cầu, thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực logistics cho khu vực Nam Trung Bộ trong thời gian tới. Các bên đều cho rằng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics tại khu vực Nam Trung Bộ là rất cấp thiết, để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các thành viên trong Ban biên tập là giảng viên các trường Đại học giao thông vận tải Hà Nội, Đại học Ngoại Thương Hà Nội, Đại học Thương mại, Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ nội dung và định hướng trong các chương trình đào tạo chuyên ngành logistics tại các trường đại học. Đại diện Đại học Quy Nhơn và Đại học Nha Trang cũng thể hiện mong muốn hợp tác, kết nối với các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong khu vực và trên cả nước để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo sát với tình hình thực tiễn, đảm bảo nguồn đầu ra chất lượng cho lĩnh vực logistics trong thời gian tới.



Ban biên tập Báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020 làm việc với Đại học Nha Trang



 Ban biên tập Báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020 làm việc với Đại học Quy Nhơn

Đại diện Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại- Bộ Công Thương cũng giới thiệu về cơ sở dữ liệu logistics trên trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn và cho biết sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về mặt thông tin, dữ liệu cập nhật về logistics phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo tại các trường Đại học theo đúng các quy định của Nhà nước về cung cấp thông tin.
 Ban biên tập báo cáo thường niên logistics Việt Nam 2020


Một số khóa đào tạo của EDINS trong tháng 6.
💯 Khoá học Logistics và Xuất nhập khẩu tháng 06/2020
➡️Link đăng ký:https://bit.ly/2TzKU6U

💯Khoá học Quản trị Mua hàng tháng 06/2020
➡️Link đăng ký: https://bom.to/sGnsYd

💯Khóa Nghiệp vụ Sale logistics tháng 06/2020
➡️Link đăng ký:https://bit.ly/2Nd25s0

☎️ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN HÃY ĐỂ LẠI SỐ ĐIỆN THOẠI HOẶC GỌI HOTLINE: 0382.120.720 hoặc 0344.009.003
Liên hệ qua Fanpage: https://www.facebook.com/edinsedu/
Liên hệ qua Website: https://edins.edu.vn/
Viện Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng Edins



Khai giảng khóa học nghiệp vụ XNK thực tế hàng tháng. Học phí CỰC KỲ ƯU ĐÃI 3,000,000 VNĐ cho 14 buổi học cùng 7 giảng viên:

Sinh viên đăng ký giảm 30% chỉ còn : 2.100.000 VNĐ.
Người đi làm đăng ký giảm 20% chỉ còn : 2.400.000 VNĐ.
Đăng ký nhóm 2 người giảm ngay 100.000 VNĐ.