Những tháng cuối năm là mùa cao điểm xuất khẩu nhưng cũng là thời điểm xảy ra tình trạng các hãng tàu thiếu container rỗng để giao cho nhà xuất khẩu đóng hàng. Đây là vấn đề nan giải từ lâu, nhưng đặc biệt trầm trọng vào năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm thay đổi cán cân xuất nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, một phần nguyên nhân do Việt Nam đang là nước xuất siêu. Đặc biệt, trong quý III vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tăng 11% so với cùng năm 2019.
Thống kê kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mới đây đã cho thấy khó khăn của doanh nghiệp về thiếu hụt container rỗng ở từng mắt xích trong hoạt động với hãng tàu. Qua khảo sát, có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container, khi chủ hàng đến nhận mới báo là chưa có. 43% cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu. Vấn đề thiếu hụt container rỗng xảy ra đối với tất cả các tuyến vận tải, trong đó tuyến vận tải đến Hoa Kỳ chiếm phần lớn.
Lý do xuất khẩu bùng nổ là do sau thời gian dài gián đoạn bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam đều tập trung trả hàng cho các hợp đồng đã bị hoãn nhiều tháng trước. Trong khi đó, số container đưa hàng nhập khẩu vào Việt Nam lại không nhiều dẫn đến tình trạng thiếu hụt container rỗng.
Việc thiếu container rỗng kéo dài đã khiến giá cước container đã bị tăng gần gấp 3 so với tháng 9/2020. Thậm chí có doanh nghiệp đã phải trả tới 5.600USD/container để có thể đóng hàng xuất đi nhưng vẫn phải chờ… Giá cước có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí có thể tăng gấp đôi chỉ trong một tuần mà vẫn không có container rỗng để đóng hàng. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu được, trong khi đây là thời điểm tăng tốc xuất khẩu để cải thiện doanh thu cho cả năm.
Một số công ty dịch vụ logistic cho rằng, rất có thể các hãng tàu tận dụng tình huống hàng hóa tồn đọng sau dịch bệnh để đồng loạt tăng giá cước vận tải, giá thuê container nhằm bù đắp thiệt hại của khoảng thời gian phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, tạo ra giá sàn mới cho dịch vụ vận tải hàng hóa sau dịch bởi trước đó giá cước vận tải đường biển khá thấp so với các phương tiện vận chuyển khác và thường ổn định trong thời gian khá dài. Các công ty dịch vụ dự báo tình hình khan hiếm container và tăng giá cước vận chuyển có thể kéo dài đến hết quý I/2021, khi nhu cầu hàng hóa của các thị trường giảm bớt sau mùa nghỉ lễ.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt container rỗng, một số đề xuất được đưa ra là tăng cường sử dụng cơ sở mới, ở vùng nào thì chủ động lấy container vùng đó để tránh tình trạng ùn tắc và thiếu hụt khi chỉ tập trung vào một chỗ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường cơ chế thúc đẩy giao nhận và cơ chế thưởng phạt trong việc sử dụng container. Một giải pháp nữa để giải quyết tình trạng thiếu hụt container rỗng trong thời gian qua là việc ứng dụng công nghệ “Tối ưu sử dụng vỏ container” của Công ty Smartlogs cũng được xem như một trong những giải pháp mà doanh nghiệp có thể tham khảo, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
=================================
☘️☘️ Đồng hành cùng EDINS để trang bị kiến thức thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm tốt ngay nhá ^^
CÁC KHÓA HỌC KHAI GIẢNG THÁNG 12 (Ưu Đãi Lớn cho Sinh viên và Người đi làm)
· Khóa Nghiệp vụ Logistics và Xuất nhập khẩu – Thông tin tham khảo: https://bit.ly/3eQkxTW
· Khóa Quản trị Mua hàng (Procument management) – Thông tin tham khảo: https://bit.ly/2L8t3Tm