Kì vọng ngày càng cao dành cho Chuỗi cung ứng
Khách hàng không còn ấn tượng với giao hàng 2 ngày nữa. Ngược lại, 2 ngày trở thành thời gian lâu nhất mà họ muốn chờ đợi. Đây là kết quả của Hiệu ứng Amazon, và nó ảnh hướng đến toàn bộ các ngành hàng phải dùng đến Chuỗi cung ứng.
Hiệu ứng Amazon đã định hình lại kỳ vọng của khách hàng và hành vi kinh doanh, thay đổi yêu cầu của tập đoàn dành cho các CEO mới. Các vị trí CEO trong tương lai sẽ được lấp đầy bởi các cựu Giám đốc Chuỗi cung ứng (CSCOs), thay vì các giám đốc Doanh thu (CRO) hay giám đốc Tài chính (CFO). Giá trị doanh nghiệp ngày càng được thúc đẩy bởi số lượng khách hàng hài lòng và lặp lại hành vi sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Điều này không phải được phản ảnh qua cách quản lý P&L hiệu quả mà là cách quản lý hàng tỷ đồng chi phí hàng hóa đã bán trên thị trường. Tất cả chúng đều bị ảnh hưởng bởi hoạt động cung ứng.
Để hiểu được những thách thức mà các nhà điều hành phải vượt qua hàng ngày: Các công ty sản xuất thường chỉ kiểm soát khoảng 20% Chuỗi cung ứng; nhà sản xuất chủ yếu làm việc thông qua các nhà cung cấp bên ngoài, nhà vận chuyển và nhà sản xuất theo hợp đồng. Trong khi đó, nhà vận hành Chuỗi cung ứng làm việc ngày đêm và với hàng ngàn đối tác để khắc phục tình trạng thiếu hàng bất ngờ, thảm họa thiên nhiên và sự cố phân phối để đảm bảo trải nghiệm khách hàng.
Có ý kiến khác cho rằng, nhân sự Chuỗi cung ứng chỉ tập trung vào cải thiện vận hành nội bộ và thiếu tư duy thị trường – về khách hàng và các mảng kinh doanh khác được các chức năng khác phát triển. Trong định kiến truyền thống, Chuỗi cung ứng bị gán với cụm từ “tunnel-vision” – tầm nhìn không thể thoát khỏi phạm vi nội bộ.
Nhưng sau khi các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và hiện tượng bão hòa các sản phẩm dịch vụ xuất hiện, vai trò của Chuỗi cung ứng thay đổi mạnh mẽ. Áp lực chung về lợi nhuận đã buộc tất cả các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực nội bộ. Chuỗi cung ứng được phát triển từ chức năng thực thi thuần túy trở thành đầu não chiến lược, với đội ngũ chuyên gia đảm nhiệm khối ngân sách lớn, được yêu cầu đồng sáng tạo và đưa ra toàn bộ chiến lược kinh doanh. Họ chính là những nhân tố thúc đẩy giá trị mới và nghiên cứu, cải tiến sản xuất để giảm độ phức tạp của sản phẩm, tăng cường mối quan hệ với các nhà cung cấp và tiết kiệm thông qua việc tìm nguồn cung ứng thông minh hơn. Ví dụ nổi tiếng nhất cho trường hợp này chính là Tim Cook.
Câu chuyện về Tim Cook
Khi Steve Jobs rời vị trí CEO của Apple, cả thế giới thắc mắc liệu ai sẽ thay thế vị kỹ sư tài năng của thương hiệu có lợi nhuận cao nhất thế giới này? Tất nhiên, với những ai thuộc giới quản lý cấp cao đều biết rằng người kế vị chính là Tim Cook.
Cook đã từng tái cấu trúc toàn bộ các hoạt động sản xuất của Apple, yêu cầu Apple phải đóng cửa các nhà máy ở nước ngoài và giao việc cho các nhà sản xuất bên thứ ba từ những năm 2011, đem lại lợi nhuận khổng lồ, cũng như giảm đáng kể lượng hàng tồn kho cho toàn bộ hạng mục sản phẩm.
Với kinh nghiệm vận hành hệ thống tồn kho tại công ty cũ, và kiến thức Procurement kết hợp với Supply chain management tổng quát, Cook bao quát toàn cảnh về Chuỗi cung ứng của Apple, từ việc kiến tạo nên sản phẩm đến phân phối đến tay người tiêu dùng. Và ngoài việc tối đa hóa lợi nhuận cho Apple, ông cũng sử dụng tư duy Supply chain management của mình để tự tin đảm nhiệm vị trí CEO.
Có thể nói, Apple đã đi trước xu hướng mới diễn ra trong những năm gần đây: khai thác những tài năng về Chuỗi cung ứng để đảm nhận vị trí lãnh đạo công ty.
Cách cải thiện lợi nhuận và tạo sự khác biệt nhanh nhất trong thời đại này
Tháng 12/2016, Lego – nhà sản xuất đồ chơi lợi nhuận cao thứ hai sau Mattel – tuyên bố rằng COO Bali Padda sẽ đám nhận vai trò CEO. Padda là người đã dẫn dắt công cuộc thúc đẩy dòng tiền cho công ty: tăng lợi nhuận thu về trong năm 2010 từ 2,3 tỷ USD lên hơn gấp đôi, đạt mức 5,2 tỷ USD trong năm 2015. Nhưng đối với Padda, những thách thức của Lego chưa dừng lại tại đó. “Thế giới đang bị thay đổi theo nhiều hướng, làm thế nào để chúng ta có thể linh hoạt đối mặt với những thách thức bất ngờ?” – câu hỏi mà không ai có thể giải quyết tốt hơn người có kinh nghiệm về Chuỗi cung ứng.
Để triển khai các ý tưởng lớn của hội đồng quản trị phụ thuộc nhiều vào yếu tố: kịp thời thu mua các nguyên liệu thô với giá phải chăng và vận chuyển đến đúng địa điểm sản xuất. Các địa điểm này phải đặt ở các vị trí chiến lược để đẩy nhanh tuyến đường đến kho hàng, hoàn thiện kế hoạch cung và cầu. Từng bước hoạch định, thực hiện và kiểm soát để đề phòng những gián đoạn không lường trước – rõ ràng là không ai có công việc khó khăn hơn các CSCO hay COO.
Đây chính xác là lý do tại sao những gã khổng lồ trong ngành đang cạnh tranh nhau để giành lấy những tài năng hàng đầu về Chuỗi cung ứng. Ví dụ điển hình: Target.
Shekar Natarajan, hiện là phó chủ tịch cấp cao về quy hoạch và thiết kế mạng lưới cho Target, vốn làm phó chủ tịch của Wal-Mart chuyên vận hành hoạt động ở dặm cuối. Ông là người thử nghiệm sáng kiến dùng máy bay không người lái trong các kho hàng để tinh gọn thao tác và tăng tốc đưa sản phẩm ra thị trường. Bây giờ Natarajan cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự với Target, giới thiệu các quy trình và công nghệ mới để ngăn chặn tình trạng hết hàng và giao hàng nhanh hơn.
Các tổ chức khác đã chuyển sang đầu tư mạnh vào Chuỗi cung ứng để cải thiện hoạt động, bao gồm: CSCO Francesca DeBiase của McDonald hợp tác với hàng ngàn nhà cung cấp để sản xuất hàng tỷ ly, ống hút và giấy gói có thể tái sử dụng mỗi năm; Giám đốc Mua hàng (CPO) của Starbucks, Kelly Bengtson, chịu trách nhiệm về quy trình tìm nguồn cung chiến lược hơn 500 triệu pound hạt cà phê có nguồn gốc “sạch” từ khắp nơi trên thế giới, và phục vụ 12 triệu khách hàng mỗi ngày tại 24.000 cửa hàng toàn cầu; hoặc CSCO của Johnson & Johnson – Kathy Wengel, người quản lý hơn 25 tỷ USD giá trị của COGS và mang lại hơn 350.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến người tiêu dùng toàn thế giới. Khi các công ty liên tục tạo ra hoặc đổi mới cách họ phục vụ với tốc độ nhanh chóng như vậy, các nhà lãnh đạo Chuỗi cung ứng trở thành những người điều hành quyền lực nhất thế giới.
Chuỗi cung ứng là một nền tảng tuyệt vời để nhân sự đi lên từ chức năng này có thể điều hành doanh nghiệp, bởi vì đây chính là trung tâm tạo lợi nhuận, sản xuất sản phẩm và thấu hiểu đầy đủ mọi đòn bẩy để cải thiện hiệu suất. Các tổ chức lớn nên nhìn nhận vào thực tế, rằng vai trò của chuyên gia Chuỗi cung ứng đã thay đổi, họ chính là người nỗ lực cải thiện trải nghiệm của khách hàng, sản phẩm và báo cáo P&L, và là những ứng cử viên sáng giá cho vị trí CEO, giám sát toàn bộ hoạt động thương mại toàn cầu và thay đổi cách vận hành của công ty.
Theo russellreynolds.com, supplychaindive.com & supplychainmovement.com