Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung lần thứ 10 thành công tốt đẹp
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu bế mạc hội nghị.
(PLVN) - Chiều 13/11, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), (gọi tắt là Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung) lần thứ 10 đã thành công tốt đẹp và họp phiên bế mạc.
Ưu tiên hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại, phát triển du lịch
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, sau 1 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc và đầy trách nhiệm của Đoàn đại biểu các tỉnh, TP, Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã thành công tốt đẹp.
Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, đồng thời khẳng định những kết quả đạt được trong thời gian qua đã chứng minh sức sống của cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, TP trong Hành lang kinh tế; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy ổn định, phồn vinh của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, một số kết quả cụ thể đã được Hội nghị ghi nhận, trong đó nổi bật là hoạt động hợp tác đã giúp các địa phương vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu,…
Bên cạnh việc đánh giá, ghi nhận những kết quả tích cực, Hội nghị đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thỏa thuận hợp tác.
Đồng thời, Hội nghị đã đề xuất một số giải pháp, biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác trong thời gian tới, trong đó thống nhất ưu tiên một số lĩnh vực bao gồm đầu tư và trao đổi thương mại; hợp tác phát triển du lịch; giao thông vận tải; giáo dục, văn hoá, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển nông nghiệp.
Khuyến khích các địa phương tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hợp tác, tìm kiếm kênh trao đổi thông tin phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp giao lưu, kết nối, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các điều ước quốc tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm của các địa phương; cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương của hai nước, nhất định một Hành lang kinh tế phồn vinh sẽ sớm trở thành hiện thực.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam Lưu Hiểu Khải cảm ơn UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan đã tổ chức thành công Hội nghị; nhấn mạnh Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, qua đó tiếp tục đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị, kết nối phát triển, đi sâu hợp tác giữa hai nước.
Lễ ký kết Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10
Trong khuôn khổ Lễ bế mạc đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).
Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa các địa phương trên tuyến hành lang
Trước đó, báo cáo kết quả phiên thảo luận chuyên đề, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề với các chủ đề chính là Đầu tư - thương mại; Văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục; Giao thông vận tải, Logistics nhằm mục đích tạo cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra định hướng, phương thức hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực liên quan.
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến động nhanh chóng và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, nền kinh tế của hai nước Việt Nam - Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; các doanh nghiệp hai bên ngày càng năng động, hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, hoạt động sản xuất - kinh doanh diễn ra ngày một sôi động.
Việc hai Bên tham gia vào các Hiệp định hợp tác kinh tế song phương và khu vực (như Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc…) cũng góp phần làm sâu sắc hơn nữa các liên kết chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, logistics, tài chính, thương mại điện tử...
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, tại 3 phiên chuyên đề, các đại biểu đã cùng đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian vừa qua; về những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để trao đổi, làm rõ và thống nhất nhận thức chung, định hướng, kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở hướng tới quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, tạo sự liên kết giữa các địa phương trên tuyến hành lang.
Thứ nhất, về lĩnh vực đầu tư - thương mại, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kết quả triển khai các hoạt động thu hút và thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng, tạo tiền đề cho việc triển khai hoạt động hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế trong nhiều lĩnh vực liên quan khác như thương mại, du lịch....
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết thương mại và phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử... nhằm thúc đẩy kết nối thương mại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương trong hành lang kinh tế với nhau và với các tỉnh, TP khác trong cả nước.
Thứ hai, về lĩnh vực văn hóa, các đại biểu đã thống nhất tăng cường hoạt độngtrao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hợp tác văn hoá và phát huy nguồn lực văn hoá xây dựng TP sáng tạo...
Đối với lĩnh vực du lịch, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch trên tuyến hành lang; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thu hút khách du lịch giữa hai nước; chủ động xây dựng các chương trình khảo sát, xúc tiến, quảng bá điểm đến...
Về hợp tác y tế, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành, điều tiết hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở TP Hà Nội với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt - Trung; đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch. Triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, sản phụ khoa và ung bướu; thúc đẩy và hỗ trợ các chương trình trao đổi nhân lực với các Bệnh viện y học cổ truyền tại các tỉnh thành lân cận, tại Vân Nam - Trung Quốc và có thể mở rộng tại các bệnh viện y học cổ truyền của Trung Quốc thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyển giao các kỹ thuật, các mô hình điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
Thứ ba, về lĩnh vực giao thông vận tải - logistics, các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải gắn với phát triển dịch vụ logistics; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong hành lang kinh tế và qua biên giới, gắn liền với phát triển hạ tầng logistics; định hướng phát triển dịch vụ logistics hướng đến liên kết vùng.
Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Tường Minh - baophapluat.vn